Đổi Đời – Phần 1 – 17 (hết truyện)

Nội dung và các nhân vật là hư cấu, tuy nhiên, bối cảnh dựa trên những sự kiện có thật như: Cuộc đổi đời năm 1975; Làn sóng vượt biên; Chuyến vượt biển từ Đà Nẵng đến Hồng Kông (i); Trại tị nạn ở Hồng Kông v.v…

. . . . .

Đổi Đời

(1) Đóa Mây Miền Duyên Hải

Hải Vân trằn trọc suy nghĩ hết mấy đêm, cuối cùng nàng đã hạ quyết tâm. Nàng ngồi bật dậy bước xuống giường đi đến cái tủ gỗ cũ kỹ đặt trong góc phòng. Cái tủ cao quá đầu và có một ngăn kéo nằm bên dưới. Nàng nhẹ nhàng kéo và bưng cả cái hộc ra khỏi tủ, rồi thò tay vào bên trong đáy tủ lấy ra một cuốn vở học trò được bao bọc bởi một lớp giấy dầu rất kỹ lưỡng. Hải Vân từ từ mở tấm giấy dầu bọc bìa vở và lấy ra một cái gói giấy nhỏ xíu mỏng dính. Nàng mở gói giấy nhỏ đó ra. Một chiếc nhẫn và một sợi dây chuyền vàng óng ánh đang nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ nhắn của Hải Vân. Gắn lại cái hộc tủ vào rồi lấy hộp kim chỉ, tìm một miếng vải rẻo, Hải Vân cẩn thận may một cái túi nhỏ để đựng sợi dây chuyền rồi nàng luồn túi vải này vào lưng một cái quần tây. Nàng đeo chiếc nhẫn vào ngón tay giữa. Xong việc mới hơn 2 giờ sáng. Hải Vân đặt lưng xuống giường cố kéo giấc ngủ trở lại nhưng những chuyện quá khứ cứ chập chờn qua lời kể của dì Hải Yên kéo về trong mộng mị.

. . . . .

Hải Vân chào đời năm 1960. Cha mẹ nàng tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhị Cấp tức là lớp 12 xong thì cưới nhau rồi khoảng hơn một năm sau sanh ra nàng. Cũng trong thời gian đó, Mặt Trận Dân Dộc Giải Phóng Miền Nam vừa thành lập và phát động phong trào vượt Trường Sơn ra Bắc. Phong trào này chiêu dụ phần lớn là những học sinh khoảng mười mấy hai mươi tuổi và trong đó có cha mẹ Hải Vân. Lúc ấy Hải Vân chưa đầy tháng, mẹ nàng bọc nàng trong một tấm khăn lông trắng và mang đến giao cho dì Hải Yên. Dì Hải Yên là chị cả trong gia đình. Mẹ nàng là em gái út. Ông bà ngoại mất sớm. Một tay dì Hải Yên nuôi nấng dạy dỗ đàn em sáu người.

Dì Hải Yên bế nàng trong tay, hai mắt mở lớn nhìn mẹ nàng đớn đau:

– Em đành đoạn bỏ con gái em sao?

– Chị à, em với anh ấy phải hy sinh để giải phóng miền Nam, để cứu nhân dân miền Nam.

– Em thấy miền Nam cần được giải phóng ư! Thôi, chị không muốn cãi vả với em về chuyện này. Em đã lập gia đình nghĩa là em đã trưởng thành. Em cứ đi theo lý tưởng của em, để con bé lại cho chị. Nhưng từ rày về sau mẹ con em và chị em mình có thể sẽ không bao giờ gặp lại nhau, em hiểu ý chị chứ?

Mẹ nàng cởi sợi dây chuyền vàng đang đeo trên cổ và tháo chiếc nhẫn cưới ở ngón tay áp út ra, đặt hai món ấy vào lòng Hải Vân rồi quay lưng đi không một chút luyến tiếc. Dì Hải Yên thở dài nhìn đứa bé còn đỏ hỏn nhỏ xíu nằm gọn trong tấm khăn lông trắng tựa như một đóa mây trời bé bỏng của miền duyên hải Trung phần, thế là dì đã đặt tên cho nàng là Hải Vân.

Hải Vân may mắn được sống trong sự đùm bọc thương yêu của gia đình dì Hải Yên gồm có dì dượng và hai người anh họ. Dượng là một Biệt Kích Dù thường xuyên nhảy toán ra Bắc Việt thi hành nhiệm vụ nên chỉ về nhà trong những ngày phép. Hai người anh họ, Việt 12 tuổi và Nam 10 tuổi, đang còn đi học. Dì Hải Yên dạy ở một trường tiểu học khá gần nhà. Một mình dì Hải Yên chăm sóc cho ba anh em Hải Vân thật chu đáo.

. . . . .

Thời gian thấm thoắt trôi…

Anh Việt và anh Nam lần lượt nhập ngũ và đã được huấn luyện tại trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Sau khi mãn khóa, anh Việt được chọn vào binh chủng Quân Cảnh. Anh Nam phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân. Hải Vân ngày ngày cắp sách đến trường. Trong nhà bây giờ chỉ còn lại hai dì cháu nương tựa lẫn nhau.

. . . . .

(2) Đổi Đời

Chiến sự ngày càng sôi động…

Vừa đến lúc Hải Vân bước vào độ tuổi thần tiên rực rỡ nhất thì Sài Gòn sụp đổ, miền Nam bị giải phóng, người miền Nam bị đổi đời. Dượng thì biệt vô âm tín. Anh Nam đã bỏ mình trong trận An Lộc của Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Kỷ vật duy nhất anh để lại cho dì là một tấm thẻ bài. Sau lệnh buông súng, Anh Việt thất thểu trở về nhà nhưng chỉ được một thời gian rất ngắn rồi anh lại cuốn gói vào “Trại Cải Tạo”, tưởng như lời phủ dụ chỉ có 10 ngày nhưng 3 tháng trôi qua, rồi thêm 3 tháng, rồi 3 năm… Anh Việt bị giam biền biệt. Dì bị mất việc vì cái lý lịch đen thui của chồng con.

Trong những tháng ngày còn lại sau năm 1975, hai dì cháu Hải Vân chỉ biết ôm nhau mà ngóng mà trông mà mòn mỏi đợi chờ mà phập phồng lo sợ. Nhà nhà bị đánh tư sản, bị đày đi vùng kinh tế mới. May mắn là căn nhà của hai dì cháu không bị tịch thu vì đó là nhà tổ của ông bà cha mẹ để lại không dính líu gì đến gia đình của dì dượng và vì nhờ dì chỉ là một công chức dạy học nên tạm thời được yên thân.

. . . . .

Năm 1976, Hải Vân trở lại trường tiếp tục hai năm cuối của Phổ Thông Trung Học tức là lớp 11 và 12. Dì Hải Yên theo một người chị bà con nhảy tàu chợ Đà Nẵng – Huế đi buôn kiếm sống. Dì buôn bán đủ thứ, kiếm được món gì thì buôn món nấy, từ những lọ thuốc Tây đến những ống kem đánh răng, từng xấp vải cho tới mấy lon sữa hộp… Khi Hải Vân học xong lớp 12, hai dì cháu gom góp được ít vốn liếng và mướn một cái sạp trên chợ Cồn, một trong những ngôi chợ chính của thành phố Đà Nẵng, bày bán bánh kẹo, vừa bán sỉ vừa bán lẻ. Dì Hải Yên nhìn Hải Vân ngày ngày ngồi trong xó chợ bán từng gói bánh gói kẹo mà ngậm ngùi, xót xa. Con cái của những gia đình thuộc chế độ cũ thì được học xong 12 là nhất rồi, đừng hòng nghĩ tới việc bước chân vào ngưỡng cửa đại học.

. . . . .

Hải Vân càng lớn càng xinh đẹp tựa trăng rằm. Tên công an phường mê Hải Vân như điếu đỗ. Hắn thường xuyên đi lòng vòng trong xóm và ghé vào những gia đình “Ngụy Quân Ngụy Quyền” để “hỏi thăm sức khỏe”. Những lần công an phường ghé “thăm” nhà dân thì đều phải được nhận chút quà gì đó, hoặc hiện kim hoặc hiện vật. Mỗi lần tên công an phường ghé đến nhà dì Hải Yên thì dì thường bảo Hải Vân chạy ra đầu đường mua 2 điếu thuốc lá đầu lọc 555 để “mời khách”. Thận, tên cúng cơm của gã công an phường, ngồi chễm chệ trong phòng khách đối diện với dì Hải Yên, cầm hai điếu thuốc đầu lọc săm se rồi đưa lên mũi hít lấy hít để chừng như cái mùi thơm của hai điếu Ba Số Năm rất quyến rũ. Hít đã rồi hắn bỏ vào túi áo một điếu, bật hộp quẹt châm điếu kia, hút một hơi thật dài, vừa nhả khói mù mịt trong phòng khách vừa hỏi dăm ba câu về dượng, về anh Việt, vừa nhắc nhở cho dì Hải Yên luôn nhớ rằng gia đình dì là thành phần phản động, là những người có tội với nhân dân, với tổ quốc, hãy an phận mà sống.

Những lúc không có dì Hải Yên ở nhà thì Hải Vân phải thay thế dì tiếp đón Thận. Hải Vân ỷ mình còn nhỏ tuổi nên dùng cách con nít tiếp đãi hắn. Đặt hai điếu thuốc vào dĩa bưng lên để cái cạch trên bàn rồi Hải Vân mở cuốn vở cũ ra ngồi đọc, chẳng nói năng gì. Thận cũng ngồi im hút thuốc. Hình như hắn có chút hảo cảm với Hải Vân nên không hạch sách hay làm khó dễ gì nàng.

Có lần đột nhiên Thận lên tiếng hỏi:

– Vân đang đọc cái gì mà lúc nào đến tôi cũng thấy Vân đọc say mê thế?

– Ơ… tôi đang đọc… ca dao.

Thật ra cuốn vở Hải Vân đang cầm trong tay là một tập truyện Tuổi Hoa Tím được bạn bè chép tay lại và chuyền tay nhau đọc. Phải công nhận cô nàng nào mà có nét chữ thật đẹp, nắn nót từng chữ từng dòng chép lại truyện Tuổi Hoa vào vở học trò để “ngụy trang” và cũng để khỏi bị thất lạc bản chính. Lúc bấy giờ tất cả sách vở thời Việt Nam Cộng Hòa bị nhà cầm quyền Cộng Sản cho là văn hóa đồi trụy nên đều bị đốt sạch chẳng khác chi thời Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho”. Tuy nhiên có nhiều gia đình cũng giấu lại được một số sách vở và những món quý giá khác.

Thận cười toe khoe:

– Tôi cũng thuộc nhiều câu ca dao lắm đấy. Tôi cũng thích đọc thơ, nhất là thơ của đồng chí Tố Hữu. Tôi đọc cho Vân nghe nhé.

Hải Vân gật đầu.

Thận đằng hắng giọng rồi ngâm nga:

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm
Bầm ơi có rét không bầm
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn… (ii)

Hải Vân cười và nghĩ thầm “Cũng may ổng không đọc thơ cách mạng, chứ mà ổng ê a nào là Stalin, Stalin hay Mác Lê Nin Mác Lê Nin thì chắc tối nay mình nằm ác mộng quá”, rồi cắc cớ hỏi:

– Vậy ông có thuộc Kiều không?

Thận xua tay:

– Giời ạ, thơ văn ấy đồi trụy lắm, Vân không nên đọc đâu nhé.

– Ơ, ông hiểu lầm rồi. Kiều này là Kiều thời Xã Hội Chủ Nghĩa của chúng ta đấy.

– Thế à…

– Để tôi đọc cho ông nghe.

Không đợi Thận trả lời, Hải Vân giả bộ nhìn vào cuốn vở rồi đọc:

Trăm năm trong cõi người ta,
Ai ai cũng được đi ra, đi vào.
Chậm tiến như ở nước Lào,
Người dân vẫn được đi vào, đi ra.
Tiên tiến như ở nước Nga,
Người ta cũng được đi ra, đi vào.
Xa xôi như nước Bồ-Đào,
Đồng bào vẫn được đi vào, đi ra.
Mọi rợ như Angola,
Người ta cũng được đi ra, đi vào.
Độc tài như xứ bác Mao,
Nhân dân vẫn được đi vào, đi ra.
Chỉ riêng có tại nước ta,
Người dân cóc được đi ra, đi vào.
(iii)

Thận cười giả lã:

– Ối giời, cô em này cũng mồm mép nhỉ. Thôi anh về nhé!

. . . . .

Hình như càng ngày Thận để ý Hải Vân ra mặt. Thận tới thường xuyên hơn. Thường thường sau bữa cơm tối là Thận xuất hiện và ngồi lì cho đến tám chín giờ đêm. Trong xóm cũng bắt đầu có những tin đồn thất thiệt nào là Hải Vân đang cặp bồ với gã công an phường, nào là Thận sắp sửa đưa bố mẹ từ ngoài Bắc vào để hỏi cưới Hải Vân…

Dì Hải Yên cũng bắt đầu thấy bất an. Nếu lỡ Thận đòi cưới Hải Vân thì phải làm sao? Đám công an phường nắm quyền sanh sát của dân trong tay. Họ hô gì thì phải làm theo, dễ đâu từ chối. Từ chối thì sẽ gặp rắc rối dài dài thôi.

. . . . .

(3) Làn Sóng Vượt Biên

Lúc bấy giờ “làn sóng vượt biên” đang nổi lên ồ ạt. Hàng trăm ngàn người Việt lén lút bỏ nước ra đi bằng đường biển cũng như đường bộ mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trên con đường đi tìm tự do của họ chẳng hạn như bão tố, hải tặc, bị bắt, bị mất tích v.v…

Đầu năm 1981, gia đình người em trai của dượng dự tính đóng tàu tổ chức vượt biên và có nhã ý mời hai dì cháu Hải Vân đi cùng. Kẻ góp công, người góp của. Dì cháu Hải Vân không cần đóng góp vàng bạc, thay vào đó dì sẽ cho mượn căn nhà của dì để làm địa điểm tập họp trong ngày đi bởi vì nhà dì Hải Yên nằm sát biển Thanh Bình, có cửa sau dẫn ra một con hẻm, đi thêm chừng mươi bước là tới biển, rất thuận tiện. Ngày xưa, biển Thanh Bình là một miền thùy dương cát trắng mênh mông của thành phố Đà Nẵng, dân cư thưa thớt. Những hàng dương liễu xanh um chạy dài trên cát trắng. Sau năm 1975, người miền Bắc đổ vào như kiến, những hàng dương liễu bị chặt trụi, thay vào đó nhà cửa mọc lên san sát như nấm.

Dì Hải Yên mừng quá liền về bàn với Hải Vân. Dì nói:

– Dì thật rất muốn con đi. Con chỉ mới 21 tuổi, đời còn dài mà ở đây chẳng có tương lai gì cả, mọi thứ đều đen tối. Dượng của con chưa biết sống chết ra sao. Việt thì chẳng biết ngày nào được thả ra. Dì muốn ở lại đợi dượng và anh Việt của con về. Dì không thể bỏ đi với con được, Hải Vân à.

Hải Vân khóc òa không chịu:

– Không, dì không đi thì con cũng không đi.

– Dì không đành lòng để con ra đi một thân một mình như vậy. Nhưng có gia đình chú Tư, em của dượng, đi cùng, dì cũng yên bụng. Con suy nghĩ kỹ lại đi. Con ở đây thêm ngày nào dì lo lắng bất an thêm ngày đó mà thôi.

. . . . .

Dì Hải Yên gõ cửa phòng của Hải Vân rồi mở cửa bước vào. Hải Vân cũng vừa ngồi dậy vén mùng lên để dì chui vào rồi nàng day day cái mùng cho muỗi bay đi hết, xong cẩn thận nhét lại viền mùng xuống chiếc chiếu. Dì Hải Yên nắm tay nàng hỏi:

– Hồi hôm dì nghe con lục đục cả đêm, con không ngủ được hả?

Hải Vân đặt chiếc nhẫn vào tay dì rồi nói nhỏ:

– Dì giữ chiếc nhẫn này để phòng khi hữu sự. Con mang theo sợi dây chuyền cũng đủ rồi.

Dì Hải Yên mừng rỡ:

– Con đã quyết định đi? Cám ơn Trời Phật. Cầu Ơn Trên phù hộ cho cháu tôi được bình an tới nơi tới chốn.

Hai dì cháu bắt đầu thút thít sụt sùi, rồi dì tiếp:

– Con hãy mang theo chiếc nhẫn. Con sang đó chân ướt chân ráo không có của phòng thân không được đâu.

Hải Vân lắc đầu:

– Không, dì hãy cất lại phòng lúc trở trời trái gió. Nếu lỡ con làm mất sợi dây chuyền thì cũng không mất hết cả gia tài.

Rồi nàng lo lắng hỏi:

– Dì ơi, khi con đi rồi mà ông Thận tới không thấy con, ổng hỏi thì dì phải làm sao?

– Con yên tâm. Dì sẽ nói con về quê thăm bà con. Rồi vài ngày sau dì sẽ lên phường xin Giấy Tạm Vắng cho con, nói là người nhà bệnh nặng ở dưới quê nên con xin tạm vắng một thời gian để về quê săn sóc.

Hai dì cháu ôm nhau dặn dò tâm sự thêm một hồi cho đến khi trời sáng hẳn.

. . . . .

Thời gian chờ đợi ngày vượt biên thật rất căng thẳng đối với Hải Vân. Lúc nào nàng cũng phải ở trong tình trạng sẵn sàng, bất cứ giờ phút nào cũng có thể ra biển xuống tàu liền. Trong khi đó nàng cũng phải giữ nguyên nếp sống hàng ngày không được có một mảy may thay đổi để tránh sự dòm ngó của hàng xóm và công an phường. Điều mà dì Hải Yên lo lắng nhất là Thận tới nhà họ thường xuyên. Nếu lỡ như đến ngày tập họp để ra đi mà Thận xuất hiện thì làm sao, liệu chuyện có bị bể hay không. Tuy nhiên, có câu nói “Chỗ nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất”. Nhà dì bị công an phường lui tới như cơm bữa thì ai tin họ dám chứa người vượt biên, rất khó bị nghi ngờ. Nghĩ vậy dì cháu Hải Vân cũng yên bụng.

. . . . .

(4) Đêm Trừ Tịch Ra Khơi

Khoảng một tháng sau, hôm đó là ngày 4 tháng 2 năm 1981 tức là ngày 30 tháng 12 năm Canh Thân, chú Tư đến gặp dì cháu Hải Vân từ sáng sớm. Chú nói tối nay sẽ xuất phát. Đêm 30 Tết mọi người đều ở nhà cúng quảy, sửa soạn ăn Tết, không ai ra đường, không ai chú ý việc của người khác cho nên đó là thời gian thuận tiện nhất để ra khơi. Khi trời sẫm tối sẽ có một nhóm 14 người chia phiên nhau rải rác đến nhà dì cháu Hải Vân để tập họp. Và họ đã được chú Tư dặn dò cẩn thận rằng nếu lỡ bất ngờ bị ai hỏi thì cứ việc nói là bà con của dì ở dưới quê lên ăn Tết.

Dì Hải Yên lo lắng:

– Đi trong mùa biển động, tui lo quá chú Tư ơi.

Chú Tư giải thích:

– Em cũng đã suy nghĩ đến điều này. Mùa biển động thì tụi công an biên phòng lơ là canh gác. Hơn nữa gần dịp Tết thì họ cũng ít chú ý hơn. Mình phải liều một phen, tìm sự sống trong cái chết, chị dâu à.

Ngày hôm ấy thời gian chậm chạp trôi. Dì cháu Hải Vân hồi hộp căng thẳng đến ngộp thở. Buổi sáng dì vẫn đi chợ sắm sửa một ít trái cây hoa quả cho mấy ngày Tết. Hải Vân ở nhà thản nhiên lau chùi bàn thờ, nhà cửa để đón Xuân. Rồi khi mặt trời vừa khuất bóng thì những người lạ mặt trong nhóm vượt biên bắt đầu xuất hiện. Có tốp hai người… Có nhóm ba người… Khi thì chỉ thấy một người đơn thân độc mã… Nhóm tập họp ở nhà dì Hải Yên chỉ toàn là người lớn, nam có nữ có, chứ không thấy con nít. Tất cả là 15 người tính luôn Hải Vân. Họ ngồi trong nhà bếp, lòng nao nao im lặng chờ đợi. Đa số không ai mang theo hành lý gì cả, chỉ có một vài người đeo theo cái túi nho nhỏ bên hông hoặc cầm trên tay. Hải Vân bận một cái quần tây, một áo sơ-mi tay dài và một áo khoác. Nàng cũng không mang theo gì ngoại trừ sợi dây chuyền khoảng một chỉ vàng đã giấu trong lưng quần.

Giao Thừa đêm ấy im ắng và buồn tẻ lạ thường vì vắng tiếng pháo lại thêm tâm trạng bồn chồn lo lắng của những người chấp nhận treo mạng sống của họ trên đầu sợi tóc, sắp sửa đánh đu với tử thần để đi tìm một lối thoát.

Đúng 11:30 khuya, từng tốp nhỏ rón rén rời nhà dì Hải Yên bằng cửa sau đi bộ thẳng ra bãi biển. Trong khi ấy, ngoài mặt dì Hải Yên vẫn bình tĩnh ra trước sân bày biện hoa quả, lư hương, đèn cầy lên bàn để cúng Giao Thừa mà trong bụng thì đang ngổn ngang trăm mối. Hai dì cháu chẳng được nắm tay nhau một lần cuối. Dì chỉ biết khấn Ơn Trên phù hộ cho mọi người được bình an mà đến bến bờ tự do.

. . . . .

Như lời chú Tư chủ thuyền dặn dò trước, mọi người ra đến địa điểm đã hẹn ở bãi biển gặp thêm một nhóm khác cũng khoảng mười mấy người rồi tất cả bắt đầu lội ra thuyền. Trời tối đen như mực, chẳng thấy đâu là mặt biển, đâu là chân trời và may mắn thay, cũng chẳng thấy bóng dáng một công an nào cả. Mấy đứa trẻ con trong nhóm kia đã được cho uống thuốc ho để ngủ say khỏi khóc la và được người lớn vác trên vai như những bao gạo nhỏ. Mọi người lội nước tới háng mới ra đến thuyền. Ai cũng run vì lạnh và sợ. Sức khỏe của Hải Vân vốn đã yếu đuối từ nhỏ, nay vừa phải lội bộ trong nước biển lạnh cóng, vừa bị lực của sóng biển đẩy vào cuốn ra, nàng cố gắng hết sức để giữ thăng bằng trong nước, khi lội được tới thuyền, hai tay chỉ còn có thể vịn vào mạn thuyền chứ không leo lên nổi. Hai chân cũng đã lạnh tê không còn cảm giác. Cũng may người lội phía sau nàng vừa tới, trên thuyền có thêm một người nữa, hai người này một kéo một đỡ giúp Hải Vân leo lên. Chú Tư dẫn theo vợ và hai người con trai khoảng 16, 17 tuổi đang ngồi trên thuyền chờ đợi.

Chiếc thuyền, nói chính xác hơn thì đó là một chiếc ghe nhỏ xíu, không buồng lái, không mui, chỉ có một tấm bạt lớn cho mọi người che mưa che gió, vài bao gạo, mấy bao cá khô và nước uống. Hải Vân không rõ chiếc ghe dài và rộng bao nhiêu thước, chỉ biết chiếc ghe chạy bằng máy F4 và vừa đủ nhét 34 người ngồi san sát nhau chậc ních như những con cá trong một hộp cá mòi.

Chiếc ghe bắt đầu tròng trành lướt sóng ra khơi. Chú Tư chỉ mang theo la bàn chứ không có hải bàn cho nên không biết được phương hướng một cách chính xác, chỉ biết nhắm Hồng Kông mà đến. Nếu từ miền Nam vượt biên thì thường là sẽ sang Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Indonesia. Còn ở miền Bắc và miền Trung thì đến Hồng Kông là gần nhất.

Chiếc ghe thô sơ nhỏ xíu lênh đênh giữa đại dương tựa như một chiếc lá trôi trên cái hồ khổng lồ.

. . . . .

Đêm thứ nhất đã qua.

Khi trời sáng mọi người mới ngộ ra hoàn cảnh hiện tại mà hãi hùng. Chung quanh chỉ toàn là nước với nước. Trên ghe, kẻ thì bị say sóng ói mửa, người thì bị xỉu lên ngất xuống. Trẻ con chịu không nổi khóc la um sùm. Thân xác và tâm hồn mọi người đều dật dờ và chỉ biết giao phó số mạng của họ cho Thượng Đế.

. . . . .

Boat People - Photo from the Internet.

Boat People – Photo from the Internet.

. . . . .

(5) Lạc Hướng

Hai đêm và hai ngày rưỡi nữa trôi qua trên biển cả…

May mắn thay, trong hai ngày hai đêm vừa qua biển êm sóng dịu. Chiếc ghe bé nhỏ cứ thế mà lênh đênh trên đại dương. Thỉnh thoảng có vài đàn cá nhỏ hàng trăm con bơi theo chiếc ghe vui đùa nhởn nhơ. Nhìn đàn cá, những người trên ghe ao ước mình được biến thành những con cá đó, được sống tự do tự tại mặc dù làm kiếp cá, còn hơn là làm những con người khốn khổ vô gia cư, vô tổ quốc như bây giờ.

Trưa ngày thứ ba, ghe lạc vào một căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. May mắn là lúc đó quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam đang căng thẳng vì cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 cho nên lúc bấy giờ Trung Quốc rất ghét chính phủ Việt Nam. Họ biết được nhóm của Hải Vân là những người đang trốn chính quyền Việt Nam vượt biên sang Hồng Kông nên họ đã giúp đỡ tận tình. Họ cử một người Hoa đã từng làm trong tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội ra nói chuyện với nhóm của Hải Vân bằng tiếng Việt. Họ hướng dẫn 2 lộ trình, một là tới khu dân cư trên đảo Hải Nam, hai là tới Hồng Kông. Họ dặn rõ rằng khi thấy một dãy núi hình vòng cung thì đó là Hồng Kông. Họ còn tặng cho nhóm Hải Vân một ít dầu máy, thuốc say sóng, thuốc lá và bánh ngọt. Cả nhóm ở trên đảo Hải Nam chừng 3 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi và nhận đồ tiếp tế. Khoảng xế trưa thì chiếc ghe lại tiếp tục lướt sóng đưa 34 thuyền nhân nhắm hướng Hồng Kông mà tiến tới.

Trời sẫm tối thì ghe bị mắc vào một đầm nước cạn. Đó là đêm thứ tư. Loay hoay mãi mới ra lại được vùng biển sâu và vì không có hải bàn nên cả nhóm lại bị lạc phương hướng lần thứ nhì.

Thêm một đêm và một ngày rưỡi nữa đã trôi qua giữa biển trời bao la…

. . . . .

(6) Biển Động

Đêm thứ năm, biển động. Một cơn bão biển nhanh chóng ập tới. Chiếc ghe bị nhồi như người ta đang đánh võng. Chú Tư tăng hết tốc lực cho ghe đâm ngang vào con sóng và cứ thế gối sóng lướt đi. Nếu chú Tư không có kinh nghiệm và không vững tay lái mà để chiếc ghe quay dọc với làn sóng thì chiếc ghe đã bị lật úp rồi. Từng cơn sóng biển hung hãn cao ngất như một tòa nhà năm bảy tầng đưa chiếc ghe lên tận đỉnh trời rồi hạ nó chúi mũi xuống tận lòng biển tựa những đứa trẻ đang thảy một quả bóng, rồi những cơn sóng khác ập đến liên tục tưởng chừng như muốn nuốt chửng chiếc ghe bé nhỏ vào lòng đại dương. Cứ như thế, hết ngọn sóng này đến cơn sóng khác thay phiên nhau đùa giỡn với chiếc ghe. Bên trên thì mưa đang đổ xuống ngập đầu. Chung quanh gió rít lên từng hồi. Thỉnh thoảng một vài tia chớp lóe lên đủ sáng để mọi người có thể nhìn thấy nét mặt sợ hãi lo âu của nhau rồi tất cả lại chìm vào bóng đen. Tiếng sóng, tiếng mưa, tiếng gió, tiếng sấm, tiếng khóc, tiếng hét, tiếng la, tiếng tát nước, tiếng cầu kinh, tiếng cầu cứu… Tất cả những âm thanh đó quyện vào nhau xé toạc màn đêm giữa đại dương không bờ bến nghe thật kinh hoàng…

Ai cũng nôn thốc nôn tháo, mửa hết mật xanh rồi đến mật vàng. Hải Vân cũng đuối quá rồi. Tất cả thức ăn trong bụng đã bị nàng ói ra hết. Nàng ói cho tới khi không còn gì để ói ra nữa và lúc đó ruột gan phèo phổi bắt đầu lộn nhào trong cơ thể tưởng chừng như muốn theo từng cơn nôn ọe mà chạy ra ngoài. Thân thể Hải Vân nóng hầm nhưng nàng lại cảm thấy lạnh buốt. Hải Vân đã bị sốt cao. Trong mê man, nàng bò dần, bò dần ra mé ghe, hai tay bám chặt thành ghe, trườn mình cúi đầu xuống mặt biển. Nàng cảm thấy dễ chịu hơn trong tư thế này. Thế là nàng nhích lên từ từ, đưa gần nửa thân người ra khỏi chiếc ghe chúi đầu xuống nước, trong cơn mê sảng, dường như nàng đang thì thầm gọi dì Hải Yên rồi bất thình lình Hải Vân nhào nhanh xuống lòng biển cả…

Chỉ còn một tíc tắc nữa thôi thì Hải Vân đã rơi tõm xuống đại dương đen thui và đã bị những con sóng cuốn đi biền biệt. Ngay lúc đó, một bàn tay vừa kịp vói ra nắm chặt cổ chân của Hải Vân rị lại và kéo nàng trở vào lòng chiếc ghe. Hải Vân đã bất tỉnh.

. . . . .

(7) Tuyệt Vọng

Màn mưa tan dần. Cơn bão qua. Mặt trời ló dạng. Ngày thứ năm bắt đầu.

Sau một đêm bão tố mưa sa, sáng hôm sau ánh nắng chiếu xuống mặt biển đẹp lạ lùng. Gió nhẹ. Sóng êm. Đêm qua đại dương như một con ác quỷ hung dữ nổi cơn cuồng nộ thì hôm nay biển cả lãng mạn hiền dịu tựa một thiên thần.

Hình như chiếc ghe đã đến gần địa phận của Hồng Kông vì mọi người thấy rất nhiều tàu của Hồng Kông và Trung Quốc chạy ngang, vẫy tay la hét cầu cứu nhưng chẳng một chiếc thuyền nào dừng lại. Những chiếc tàu đó như mấy cao ốc khổng lồ, còn chiếc ghe của nhóm Hải Vân thì như một căn nhà tranh xiu vẹo. Mỗi khi có một chiếc tàu nào đó chạy ngang thì chiếc ghe bị chao đảo nghiêng qua một bên vì những làn sóng do con thuyền khổng lồ tạo thành đánh vào chiếc ghe tí hon của họ.

Mọi người hầu như đã tuyệt vọng vì chẳng biết họ đang ở nơi đâu trên một đại dương mênh mông như thế này. Gặp thuyền lớn mà không được cứu thì càng tuyệt vọng hơn. Chú Tư chủ ghe vét hết số gạo còn lại và bảo mọi người hãy rải xuống biển để cầu nguyện rồi chú cứ nhắm hướng Tây mà chạy vào đất liền, không cần biết là Hồng Kông hay một hoang đảo nào hoặc cùng lắm thì trở về Việt Nam rồi vẫn có cơ hội để “thua keo này ta bày keo khác” còn hơn là làm mồi cho đám cá biển.

Hải Vân bây giờ đã tỉnh táo. Nàng lặng người khi nghe kể chuyện chết đi sống lại của nàng tối hôm qua. Người đàn ông cứu nàng đang ngồi bên cạnh, một tay cầm gói bánh ngọt, một tay cầm ca nước, miệng thì hối nàng ăn uống cho lại sức. Hải Vân cám ơn rồi cố gắng nhai một miếng bánh mà chẳng biết mùi vị gì.

. . . . .

(8) Đất Liền

Đến xế chiều, chú Tư chủ ghe bỗng nhìn thấy mặt nước biển chia ra làm hai màu rõ rệt. Một bên màu rất trong. Bên kia thì màu đục. Mừng quá, chú Tư cho ghe chạy về hướng nước biển màu đục, vừa cầm lái vừa la lớn:

– Gần tới bờ rồi bà con ơi! Gần tới bờ rồi!

Mọi người đang như những cái xác không hồn nằm ngồi rũ rượi bỗng nhốn nháo đứng bật dậy làm chiếc ghe tròng trành nghiêng qua nghiêng lại. Chú Tư phải hô to lên:

– Mọi người ngồi yên vị trí để giữ thăng bằng cho ghe. Có lẽ chúng ta sắp đến đất liền vì màu nước biển càng ngày càng đục.

Cả ghe la hò vui mừng khôn xiết. Chẳng mấy chốc ghe của họ gặp được 3 chiếc tàu đánh cá của người Hồng Kông. May mắn thay, ba chiếc tàu này dừng lại. Vài người thả ca nô lái đến gần chiếc ghe nhưng họ vẫn neo ca nô rất xa vì chưa biết nhóm người trong ghe là những ai. Hợp, người đàn ông đêm hôm qua đã cứu Hải Vân, đến nói với chú Tư chủ ghe rằng anh biết chút đỉnh tiếng Anh, hãy để anh đại diện nói chuyện với những người trên ca nô. Hợp đến sát đầu mũi ghe, dùng hai tay làm loa, trình bày hoàn cảnh của mọi người nhưng ca nô đậu xa quá, những người trên ca nô không nghe được gì. Hợp nhảy xuống biển bơi qua chiếc ca nô nọ.

Một lát sau, chiếc ca nô đưa Hợp trở về ghe. Hợp giải thích với mọi người rằng thuyền đánh cá của họ sẽ giúp dẫn ghe đến neo ở hải phận biên giới của Hồng Kông, Đài Loan và Quảng Châu. Mọi người sẽ đợi ở đấy vài tiếng đồng hồ rồi sẽ có thuyền từ Hồng Kông ra cứu vào. Lúc này mọi người cũng tạm thời yên tâm và ngồi yên trong ghe chờ đợi ở địa điểm đó khoảng 5 tiếng. Mười giờ đêm hôm đó, tức là đêm thứ sáu trên biển, y như lời hứa của những người trên ca nô, một chiếc thuyền đánh cá khác xuất hiện. Gia đình đánh cá này tiếp đón nhóm của Hải Vân rất nồng hậu. Tất cả được lên đi chung trong thuyền. Chiếc ghe được kéo theo phía sau. Họ nấu cháo nóng và pha trà mời mọi người. Hai bên nói chuyện với nhau bằng đủ mọi ngôn ngữ Hoa, Việt, Anh, tay, chân lẫn lộn.

. . . . .

(9) Mùi Tự Do

Thêm hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển với gia đình chủ thuyền, vừa đi vừa đánh cá, cuối cùng mọi người cũng đã được đưa đến Hồng Kông an toàn. Thoạt đầu gia đình chủ thuyền tính neo ngoài xa rồi để cả nhóm của Hải Vân xuống ghe tự lái vào bờ vì họ không muốn phiền phức khai báo với Sở Di Trú. Nhưng khi nhìn lại chiếc ghe của chú Tư thì ông chủ thuyền lè lưỡi trợn mắt la lên:

– Tôi không thể tưởng tượng được quý vị đã vượt đại dương từ Việt Nam đến đây bằng chiếc ghe như thế này. Từ đây vào bờ không xa lắm nhưng tôi không dám để quý vị lái chiếc ghe này vào đâu. Dễ sợ quá! Nguy hiểm quá!

Ông vừa nói vừa xua xua tay rồi quyết định đưa nhóm Hải Vân vào bờ chứ không cho dùng chiếc ghe đó nữa.

Chiếc thuyền đánh cá từ từ tiến vào bến cảng…

Hương Cảng hiện ra mờ ảo sau lớp sương mù. Thuyền bè đậu san sát. Xa xa những dãy cao ốc chọc trời như mấy cây trụ khổng lồ cao có thấp có và sau lưng là một dãy núi xanh biếc. Từng đoàn hải âu bay lượn theo thuyền. Có nhiều em hải âu sà luôn xuống boong tàu chôm lẹ mấy chú cá đang nhảy đành đạch trong lưới. Mọi người hít mạnh vào đầy lồng phổi những làn gió thơm nồng mùi biển và hình như họ cũng đang ngửi được mùi tự do thoang thoảng đâu đây.

. . . . .

Thuyền cập bến. Chủ thuyền, theo đúng luật, đã báo cho chính quyền Hồng Kông biết về nhóm thuyền nhân Việt Nam mà ông đưa vào bờ. Một lát sau, vài người của Sở Di Trú Hồng Kông đi cùng với cảnh sát Hồng Kông và một thông dịch viên đến tiếp nhận nhóm người Hải Vân, đưa mọi người sang một con tàu khác. Họ thẩm vấn từng người một rằng người chủ thuyền đánh cá có nhận tiền bạc gì từ những người trong nhóm Hải Vân để đưa họ vào bờ hay không. Mọi người đều nói ông chủ thuyền đánh cá chỉ vì lòng nhân đạo đã cứu họ vào chứ không nhận bất cứ cái gì cả.

Sau đó, Sở Di Trú chở họ về một cái xà lan thật lớn mà sau này Hải Vân được biết đó là Kho Đen, nơi những thuyền nhân Việt Nam tạm trú một tuần để khai lý lịch trước khi được đưa vào bờ đến các trại tị nạn trên đất Hồng Kông. Sở Di Trú tiếp thu chiếc ghe của chú Tư và đánh dấu chiếc ghe mang số 1441, nghĩa là tính cho tới ngày hôm đó thì đã có 1441 chiếc thuyền vượt biển đến Hồng Kông.

Sau 8 ngày 8 đêm vượt trùng dương giao phó mạng sống cho tử thần cuối cùng mọi người cũng đã hoàn hồn và cũng đã được đứng mấp mé ở bến bờ tự do.

Ở Kho Đen, mọi người được Liên Hiệp Quốc phát cho áo quần, mền gối và được ăn ngày hai bữa. Kho Đen có một trụ sở của đạo Tin Lành có sách báo Việt và họ đi truyền đạo hàng ngày. Trước khi rời Kho Đen để vào trại tị nạn, mỗi người được cung cấp một thẻ căn cước có hình và tên tuổi. Sau một tuần lễ ở Kho Đen, mọi người được đưa đến trại tị nạn Khải Tắc Đông tức là Kai Tak East Refugee Camp, nằm sát phi trường Kai Tak, thuộc Cửu Long Thành (Kowloon Walled City) .

. . . . .

(10) Trại Tị Nạn Khải Tắc Đông

So với tất cả các trại tị nạn ở Mã Lai, ở Phi Luật Tân, ở Thái Lan… thì những trại tị nạn ở Hồng Kông trước tháng 7 năm 1982 (tức là trước khi mấy “Trại Cấm” được thành lập), có tiếng là tốt hơn về mọi phương diện như nơi ăn chốn ở, thực phẩm và cách thức làm việc đối xử của chính quyền đối với người tị nạn v.v…

Từ năm 1975 đến năm 1982, những trại tị nạn ở Hồng Kông được gọi là “Trại Tự Do”. Người tị nạn Việt Nam ở trong trại có thể ra phố dạo chơi mua sắm hoặc đi làm việc. Tuy nhiên, vì số lượng người vượt biên từ Việt Nam đến Hồng Kông càng ngày càng quá nhiều và để ngăn ngừa việc này, bắt đầu tháng 7 năm 1982, Hồng Kông thành lập “Trại Cấm”. Làn sóng người tị nạn Việt Nam đến những nơi khác như Thái Lan hay Mã Lai cũng nhiều không kể xiết và các nước này, tương tự như Hồng Kông, muốn ngăn cản làn sóng người tị nạn nhập cư vào đất nước họ. Vì vậy, tàu của người Việt tị nạn bị chính quyền địa phương kéo ra lại ngoài hải phận quốc tế không cho lên đảo. Có nhiều nhóm vượt biên được gần tới bờ thì họ tự làm hư thuyền rồi lội vào để khỏi bị đuổi ra lại ngoài khơi.

Dưới chính sách “Trại Cấm” ở Hồng Kông, những người Việt tị nạn đến sau tháng 7 năm 1982 đã không còn được tự do ra vào trại nữa, sinh hoạt trong trại nhiều khó khăn hơn, bị chính quyền Hồng Kông đối xử tàn tệ hơn và họ bị nhốt trong những vòng hàng rào kẽm gai không khác gì tù tội.

Sáu năm sau ngày “Trại Cấm” được thành lập, vào tháng 7 năm 1988, Hồng Kông thực hiện chính sách “Thanh Lọc” và “Cưỡng Bách Hồi Hương”. Những người tị nạn quyết chết trên xứ tự do chứ nhất định không chịu về sống trong vòng kìm kẹp của chế độ CSVN. Sự kiện này đã khơi lên những cuộc biểu tình và tự sát tập thể đầy máu và nước mắt gây chấn động thế giới thời bấy giờ.

Về mặt an ninh trong trại tị nạn ở Hồng Kông thì lại nổi tiếng là kinh khủng nhất bởi vì trại có rất nhiều dân du đãng. Họ là những thành phần trẻ ở ngoài miền Bắc Việt Nam, đa số là đầu trộm đuôi cướp, thường xuyên ra tù vô khám và được thả cho ra đi tự do như một cách “đuổi khéo” đám người bán Trời không mời Thiên Lôi này ra khỏi Việt Nam để nhà nước khỏi tốn cơm tù áo tội. Thế nhưng khi đã vượt biên được đến Hồng Kông rồi mà họ vẫn tánh nào tật nấy. Họ cướp bóc, hãm hiếp, đâm chém, gây hấn với những người tị nạn miền Nam trong trại. Họ lập phe đãng, xưng đại ca, làm đầu gấu (tiếng lóng của miền Bắc gọi dân du đãng là “đầu gấu”) hà hiếp những người trí thức hiền lành. Người tị nạn giết nhau là chuyện thường xảy ra trong các trại tị nạn ở Hồng Kông. Chính quyền Hồng Kông thì mắt nhắm mắt mở không thèm can thiệp vào chuyện riêng tư của những người tị nạn.

Vì vậy, thời bấy giờ, trại tị nạn Hồng Kông nổi tiếng là sung sướng nhất và cũng nổi tiếng là kém an ninh nhất.

Ngoại trừ vấn đề kém an ninh ra, đời sống tạm bợ ở trại tị nạn Khải Tắc Đông tương đối thoải mái. Trại Khải Tắc Đông có thể chứa khoảng 10 ngàn người. Trại chia ra làm nhiều khu vực rộng lớn được che và lợp bằng tôn như những căn chòi khổng lồ mà người ở đó gọi là cái “Hut”. Mỗi cái chòi này cũng có địa chỉ đàng hoàng chẳng hạn như: Hut A3, Kai Tak East”. Nếu muốn liên lạc bằng thư từ cho cá nhân nào thì thêm số thuyền vào địa chỉ: “Boat #…”. Mỗi khu ở được vài trăm người và có hàng trăm dãy giường ba tầng kê san sát nhau. Những người đi cùng tàu sẽ được sắp xếp ở cùng một khu với nhau. Thường thì nam hoặc nữ độc thân sẽ ở trên giường cao nhất là tầng thứ ba và tầng này không có màn che. Vợ chồng hoặc gia đình có con nhỏ được ngủ ở giường dưới đất hoặc giường ở tầng giữa có màn vải kéo lại kín đáo. Người tị nạn xem cái giường như là cái phòng riêng của họ. Ngoài việc dùng để ngủ, cái giường còn là chỗ ngồi ăn, bàn viết, nơi giải trí như chơi cờ, đánh bài v.v… Giang sơn của người tị nạn chỉ chừng đó trong những năm tháng tạm dung ở Hồng Kông.

Trại tị nạn Khải Tắc Đông - Photo by Alex Bowie/Getty Images

Trại tị nạn Khải Tắc Đông – Photo by Alex Bowie/Getty Images

Trại tị nạn Khải Tắc Đông - Photo by Alex Bowie/Getty Images

Trại tị nạn Khải Tắc Đông – Photo by Alex Bowie/Getty Images

Trại tị nạn Khải Tắc Đông - Photo from the Internet

Trại tị nạn Khải Tắc Đông – Photo from the Internet

Trại Khải Tắc Đông mở cửa từ sáng sớm và đến khuya mới đóng cửa. Trại có phòng khám bệnh, có bác sĩ y tá thuốc men đầy đủ, có thông dịch viên. Trại có nhiều phòng vệ sinh, sạch sẽ, nam nữ riêng biệt. Các đại diện của những tổ chức từ thiện đến thăm thường xuyên, tìm hiểu hoàn cảnh của người tị nạn và giúp đỡ rất nhiều. Khi vừa mới vào trại, người tị nạn được Liên Hiệp Quốc giúp đỡ một phần nhỏ về tài chánh để có phương tiện ra ngoài tìm việc làm kiếm thêm tiền sinh hoạt trong khi chờ đợi đi đến đất nước thứ ba. Ai cần tiền tiêu xài thì có thể tự do ra ngoài tìm việc. Ai có thân nhân ở ngoại quốc gởi tiền sang giúp đỡ thì cứ việc ngồi chơi xơi nước đợi ngày đi định cư. Ai không có nhu cầu tài chánh thì cũng chẳng cần bôn ba kiếm việc làm gì. Điều quan trọng nhất đối với tất cả người tị nạn trong trại là làm sao để được đi định cư ở đệ tam quốc gia nào đó càng sớm càng tốt.

. . . . .

(11) Đầu Gấu Quảng Ninh

Trong trại Khải Tắc Đông nơi khu vực của Hải Vân đang tạm dung có ba tên du đãng chọc trời khuấy nước khét tiếng. Bảy Thẹo là tên đại ca. Mặt hắn có một cái thẹo khoảng nửa gang tay chạy dài từ thái dương xuống tới trái tai. Bảy Thẹo chừng ngoài 30, tướng tá to con vạm vỡ, nước da ngăm đen. Hai tên đàn em của hắn là Dũng Nghệ và Hùng Lủi. Dũng Nghệ gầy và cao, tuổi khoảng 26 – 27, người dân tộc Sán Dìu, nước da lúc nào cũng vàng vàng như nghệ không biết vì bị bệnh gan hay da dẻ của hắn bẩm sinh như vậy. Hùng Lủi nhỏ tuổi nhất trong đám, độ 22 – 23, tướng mập mặt tròn và tính thì nhát gan. Hắn thuộc lòng cái kế cuối cùng trong Tam Thập Lục Kế đó là “tẩu vi thượng sách”. Hễ có chuyện gì không ổn là hắn lủi nhanh và chạy trước nhất.

Bộ ba này là dân “đầu gấu” ở Quảng Ninh, miền Bắc. Cả ba gặp nhau trong tù và kết nghĩa anh em. Sau khi ra tù chúng rủ nhau đi vượt biên nhưng chả đứa nào có một đồng xu dính túi thì làm sao đi. Thế là chúng quyết định một là “đi chui” hai là “cướp tàu”, có nghĩa là rình rập chờ thời cơ nếu thấy có tàu vượt biên thì lén leo lên, nếu bị lộ thì cứ việc uy hiếp chủ tàu thế nào cũng đi lọt. Quả đúng như dự định, đêm nọ bộ ba Bảy Thẹo đang lang thang trong xóm chài thì gặp được một nhóm người Hoa vượt biên. Cả ba nhanh nhẹn hòa vào dòng người đang đi bộ ra ghe. Khi lên tàu lớn thì đám Bảy Thẹo bị lộ. Chủ tàu bắt cả ba phải nhảy xuống biển. Nhanh như gió Bảy Thẹo phóng tới kẹp cổ ông chủ tàu rồi rút ra một cái lưỡi lam kề sát yết hầu của ông ta. Bảy Thẹo uy hiếp một là cho tụi nó đi chung hai là ông chủ tàu xuống biển làm mồi cho cá và tụi nó sẽ tự lái tàu đi luôn. Thế là cả ba được đi vượt biên mà không cần chung vàng bạc gì ráo.

Ngoài nhóm Bảy Thẹo, trong trại Khải Tắc Đông còn có nhiều nhóm du đãng khác. Chúng chia nhau hoành hành từng khu. Bộ ba du đãng Bảy Thẹo ăn không ngồi rồi chuyên đi hà hiếp những người sức yếu thế cô, trộm cắp, cướp giật, hù dọa con nít, chọc ghẹo phụ nữ, gây hấng với đám đàn ông con trai… Hễ ai mà thấy tụi Bảy Thẹo ở hướng Đông thì họ tránh sang hướng Tây, thấy tụi nó đi phía Bắc thì họ quẹo về phía Nam. “Tránh voi chả xấu mặt nào” – không ai muốn gây oán với tụi này nếu không thì tụi nó sẽ trả thù bằng nhiều phương cách chẳng hạn như tạt nước sôi nước tiểu vào người hoặc chận đường đánh đập.

. . . . .

(12) Anh Hùng Cứu Mỹ Nhân

Hợp và Hải Vân là trai đơn gái chiếc một thân một mình và vượt biên trên cùng một chiếc ghe nên dễ đồng cảm. Hải Vân cũng rất cảm kích ơn cứu mạng của Hợp lúc ở trên ghe ngoài biển khơi. Họ luôn luôn chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau. Điều này đã bị bộ ba Bảy Thẹo chú ý. Chúng thấy Hải Vân có nét sắc sảo mặn mà nên muốn trêu chọc đã lâu nhưng chưa có dịp vì lúc nào Hợp cũng đi bên cạnh Hải Vân.

Một buổi tối nọ Hải Vân vừa bước ra khỏi phòng tắm thì bất ngờ Bảy Thẹo nhảy xổ tới đứng ngay trước mặt. Hải Vân giật mình hét lớn. Hợp đang ngồi chờ Hải Vân ở đầu dãy hành lang bên ngoài nghe tiếng hét của Hải Vân liền chạy vào nhưng chẳng biết Dũng Nghệ và Hùng Lủi ở đâu trong bóng đêm bất thình lình xuất hiện, đứa đứng trước mặt đứa đứng sau lưng chặn đường của Hợp. Hợp xô nhanh Dũng Nghệ đang đứng chống nạnh qua một bên rồi chạy vụt vào trong. Hai đứa đuổi theo sát phía sau.

Cuối dãy hành lang của gian phòng tắm, Hải Vân vừa run lẩy bẩy vừa thụt lùi sát vào góc tường. Bảy Thẹo cười hềnh hệch nói:

– Cô em xinh đẹp thế kia mà cứ đi theo thằng Hợp già, uổng đời lắm. Theo anh nhé. Anh trẻ trung sung sức…

Bảy Thẹo chưa dứt lời thì… “Bốp”… một cái tát giáng vào mặt nó.

Từ ngày ra giang hồ tự xưng đại ca đến nay Bảy Thẹo chưa hề bị ăn đòn chứ đừng nói chi là ăn tát tai từ một phụ nữ chân yếu tay mềm. Vì thế Bảy Thẹo sững người không kịp phản ứng. Giây lát sau hắn hoàn hồn, một tay đưa lên sờ cái má vừa bị tát, một tay đưa ra tính tóm áo của Hải Vân. Vừa lúc đó Hợp chạy vào đứng che cho Hải Vân, hai tay đưa ra sau nắm chặt tay Hải Vân.

Hai đứa đàn em Dũng Nghệ và Hùng Lủi cũng đã chứng kiến cảnh đại ca của chúng ăn tát, hốt hoảng gọi lớn:

– Đại ca…. Đại ca…

Bị mất mặt, Bảy Thẹo nộ khí xung thiên, đấm liên tục vào mặt, vào màng tang của Hợp. Hợp không đánh trả, chỉ cố gắng né tránh và đứng chắn không để Hải Vân bị trúng đòn của Bảy Thẹo.

Dũng Nghệ và Hùng Lủi nhào tới kéo hai tay của Hợp ra khỏi Hải Vân. Bảy Thẹo co đầu gối thúc vào bụng của Hợp thêm mấy cái. Hai đứa đàn em đấm túi bụi vào hông vào lưng của Hợp…

Vài người trong buồng tắm xô cửa chạy ra can. Một số người bên ngoài cầm soong nồi vừa chạy vào vừa gõ toáng lên báo động. Bộ ba Bảy Thẹo thấy người kéo tới càng lúc càng đông nên chúng lập tức rút lui.

Hợp quỵ xuống, máu từ khóe miệng rỉ ra. Hải Vân vừa khóc vừa gọi:

– Chú Hợp… chú Hợp…

Hải Vân và một người thanh niên cùng phòng dìu Hợp về lau chùi vết thương. Đêm khuya nên trạm y tế đã đóng cửa. Họ muốn gọi cảnh sát nhờ đưa Hợp vào bệnh viện nhưng Hợp can:

– Tôi không sao đâu, nằm nghỉ vài hôm sẽ khỏi. Hải Vân đừng lo lắng.

Hải Vân ngồi bên Hợp khóc thút thít, tay chân vẫn còn run cầm cập.

. . . . .

Bọn Bảy Thẹo tức tối lắm. Chúng quyết sẽ cho Hợp và Hải Vân một trận đòn nữa. Chúng tháo giường ra lấy mấy thanh sắt nhỏ rồi ngày đêm ngồi mài dũa cho nhọn và sắc bén để làm vũ khí. Mỗi đứa một đoản sắt nhọn trong tay thì từ nay đố ai dám nhào vào can thiệp chuyện của chúng. Nghĩ thế bọn bộ ba Bảy Thẹo hí hửng cười nói bô lô ba la, vừa chế tạo vũ khí vừa vạch kế hoạch trả thù.

Hợp nằm dưỡng thương hết 3 hôm. Ngày nào Hải Vân cũng tới săn sóc thật tận tình và chu đáo. Nàng nấu cháo, thay rửa vết thương dùm cho Hợp. Nhờ vậy mà sức khỏe của Hợp hồi phục nhanh chóng. Những ngày Hợp nằm trên giường không ra ngoài được thì lúc nào chàng cũng luôn miệng nhắc nhở Hải Vân đi đâu cũng nhớ đi chung với chú thím Tư hoặc những người cùng phòng, chớ có đi một mình nhỡ gặp lại đám Bảy Thẹo thì nguy. Chuyện xảy ra đêm nọ đã làm Hải Vân hồn xiêu phách lạc, nghĩ tới vẫn còn run cho nên nàng cũng ít dám đi lòng vòng một mình, không còn đi tắm vào buổi tối nữa. Mỗi lần đi tắm hay ra ngoài nấu món gì đó cũng đợi lúc có đông người mới đi.

Bộ ba Bảy Thẹo bây giờ chỉ còn chờ đợi thời cơ để tặng Hợp thêm một trận đòn nhừ tử và chiếm đoạt Hải Vân cho hả cơn giận. Mặc dù đã có vũ khí trong tay nhưng tụi nó cũng không dám làm bậy một cách công khai giữa chốn đông người mà chỉ có thể đánh lén giết lén. “Mãnh hổ nan địch quần hồ” – nếu lỡ cả mấy chục người hùa nhau lại phản công thì tụi nó có mạnh bạo cách mấy cũng bị bằm ra thành tương.

. . . . .

(13) Dạo Phố Hồng Kông

Khoảng 10 ngày sau khi vụ ẩu đả xảy ra ở gian phòng tắm và sức khỏe của Hợp cũng đã hồi phục, Hải Vân rủ Hợp ra khỏi trại đi xem cho biết Hồng Kông. Hải Vân đã ở trong trại Khải Tắc Đông được gần 2 tháng rồi mà chưa biết mặt mũi Cửu Long – Hương Cảng ra làm sao. Những người ở trong trại trước Hải Vân ra vào thành phố mua sắm vui chơi thường xuyên. Có nhiều người đã xin được việc làm trong những hãng may mặc hoặc đóng gói giày dép. Hải Vân đã hỏi dò đường đi nước bước rõ ràng. Sáu giờ sáng trại mở cửa. Hợp và Hải Vân ra khỏi trại đón xe buýt để đi về Thâm Thủy Bộ (Sham Shui Po). Nghe nói ở đây là nơi có nhiều hàng quán nhất. Thức ăn nước uống thì rất đa dạng. Hầu như các món ăn Âu Á trên thế giới đều có mặt tại vùng Thâm Thủy Bộ. Ngồi trên chiếc xe buýt hai tầng cao nghệu nhìn xuống đường phố của Cửu Long Thành, Hải Vân thấy thành phố thật sầm uất, muôn sắc muôn màu, người xe tấp nập. Những điều đặc biệt đập ngay vào mắt Hải Vân là ở Hồng Kông người ta lái xe bên phía tay trái khác hẳn với Việt Nam. Người dân đổ bộ ra đường thì đông nghẹt tưởng như đang có cuộc biểu tình. Đứng lơ ngơ giữa lòng phố xá không cần bước đi nhưng một lát sau người ta cũng sẽ bị đoàn người đi bộ san sát nhau đẩy tới cả đoạn đường lúc nào không hay không biết.

Hợp và Hải Vân vào một quán mì. Họ gọi hai tô mì hoành thánh. Mỗi tô khoảng 5 đồng tiền Hồng Kông. Tô mì bốc khói nóng hổi thơm phức. Đây là lần đầu tiên Hải Vân ăn thấy ngon miệng kể từ ngày rời thành phố Đà Nẵng thân yêu.

Ăn uống xong, hai người đến bến phà Tiêm Sa Chủy (Tsim Sha Tsui) bắt phà sang Hương Cảng. Bán đảo Cửu Long và Hương Cảng cách nhau cái vịnh Victoria. Người dân có thể qua lại bằng xe hơi, xe buýt hoặc bằng phà. Hợp rủ Hải Vân đi phà để ngắm cảnh trời trăng mây nước và để so sánh cái cảm giác lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ xíu chở 34 người ở giữa đại dương mênh mông không bờ bến và cảm giác đứng trên chiếc phà hai tầng rộng lớn chở gần 500 hành khách từ từ rẽ sóng lướt đi êm ả trên một hải cảng lớn nhất nhì thế giới và chung quanh là nước xanh núi biếc với những cao ốc chọc trời.

Đến Hương Cảng, Hợp và Hải Vân đón thêm một chuyến xe buýt nữa để đến công viên Hải Dương (Ocean Park). Đây là một khu giải trí nổi tiếng nhất ở Hồng Kông. Công viên Hải Dương là một “sở thú nước” gồm hàng trăm loại cá đủ màu sắc biểu diễn nhiều trò rất ngoạn mục. Công viên này lớn gấp mấy lần Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn. Hải Vân say mê ngắm những chú cá bơi lội trong cái hồ nước khổng lồ ở công viên Hải Dương rồi cứ trố mắt nhìn ngắm phố phường, xe cộ, cao ốc. Hai người vui chơi đến tối mới bắt đầu trở về trại.

Cửu Long vào ban đêm nhộn nhịp xô bồ bao nhiêu thì Hương Cảng êm đềm yên tĩnh bấy nhiêu. Cửu Long thời xưa nổi tiếng là khu ổ chuột, dân cư nghèo nàn, đường phố chật hẹp, ngày đêm buôn bán tấp nập và cho đến bây giờ Cửu Long vẫn còn duy trì những sinh hoạt về đêm như ăn chơi mua sắm giải trí rất náo nhiệt. Còn bên Hương Cảng là trung tâm thương mại hành chánh, đa số là những cao ốc của các đại công ty và là miền đất của những người giàu có cho nên càng về đêm càng yên tĩnh hơn.

(14) Ngọa Hổ Tàng Long

Gần 11 giờ khuya khi trại sắp đóng cửa Hợp và Hải Vân mới về tới nơi. Vừa vào cổng chưa được bao xa thì bộ ba Bảy Thẹo nấp ở đâu đó bất ngờ nhảy ra vây Hợp và Hải Vân. Dũng Nghệ và Hùng Lủi cầm đoản sắt nhọn nhịp nhịp trong tay. Vũ khí của Bảy Thẹo là một nhị khúc côn tức là hai thanh sắt ngắn được nối với nhau bằng một sợi dây xích ngắn. Đêm khuya mọi người đã vào chòi ngủ hết. Cả trại vắng lặng như tờ, quả là thời cơ tốt để tụi Bảy Thẹo ra tay. Hải Vân sợ hãi nép sát sau lưng Hợp.

– Các cậu lại muốn gì đây? – Hợp lên tiếng.

Bảy Thẹo, Dũng Nghệ và Hùng Lủi cười ha ha hô hô rồi Bảy Thẹo nghênh ngang đáp:

– Bố mày chỉ muốn cô em xinh đẹp này thôi. Mày có khôn hồn thì cút xéo vào buồng mà ngủ, đừng mong làm “anh hùng cứu mỹ nhân” nữa nhé.

Nói đoạn Bảy Thẹo múa nhị khúc côn vèo vèo để thị uy chẳng khác chi Lý Tiểu Long trong mấy phim võ hiệp.

Hợp gằn giọng:

– Nếu tôi nói “không” thì sao?

Bảy Thẹo thu côn lại kẹp dưới nách rồi liếc mắt ra hiệu cho hai đứa đàn em. Dũng Nghệ và Hùng Lủi xàng qua xàng lại mấy đường rồi xông vào tấn công Hợp. Hải Vân hốt hoảng nghĩ thầm lần này cũng như lần trước, không những Hợp sẽ bị đánh đến bầm mình bầm mẩy mà còn có thể bị thương trầm trọng hơn. Chỉ cần hai đoản sắt nhọn của tụi nó đâm vào thì… Hải Vân chưa kịp suy nghĩ hết ý bỗng… “Keng”… “Keng”… tiếng hai thanh sắt rơi xuống nền xi-măng vang lên giữa đêm khuya.

Dũng Nghệ và Hùng Lủi vừa toan đâm đoản sắt vào người Hợp thì nhanh hơn chớp, bàn tay phải của Hợp như một lưỡi đao đưa ra và chém nhanh xuống cổ tay của Hùng Lủi làm hắn cảm thấy cả cánh tay tê điếng, đoản sắt không chân mà đã nhảy ra khỏi lòng bàn tay tự lúc nào. Xoay mình xéo qua phía Dũng Nghệ, Hợp phóng ra một cước từ dưới lên hất thanh sắt của Dũng Nghệ văng ra xa. Trong tíc tắc chỉ với một quyền một cước Hợp đã làm cho bộ ba Bảy Thẹo và cả Hải Vân trố mắt kinh ngạc.

Bảy Thẹo múa côn lao tới. Đoản côn của hắn chỉ còn cách Hợp trong gang tấc… Tay trái Hợp vung ra chộp lấy khúc côn kéo cả người lẫn côn của Bảy Thẹo tới sát rồi tay phải tung ra một quyền, mu bàn tay của Hợp vừa chạm đến sống mũi và trán của Bảy Thẹo thì Bảy Thẹo đã thấy cả mấy chục con đom đóm từ trong mắt bay ra. Hắn loạng choạng thối lui hai bước. Tuy trúng đòn nhưng Bảy Thẹo cũng rất gan lì không hề nao núng. Tay hắn vẫn nắm chặt thanh côn sấn tới quất mạnh vào mặt của Hợp. Hợp xoay người né tránh và tiện chân phóng cước đá vào dưới cằm của Bảy Thẹo. Bảy Thẹo ăn trọn một quyền và hứng trọn một cước, người nhủn ra ngã ngửa về phía sau, côn nằm một nơi người nằm một nẻo. Hai đứa đàn em chạy tới đỡ hai bên. Cả ba bỏ lại vũ khí lủi nhanh vào bóng đêm.

Hợp quay lại gọi Hải Vân:

– Mình về thôi.

Hải Vân vẫn còn đứng sững vì ngạc nhiên quá đỗi.

– Chú… chú đánh giỏi như vậy mà… tại sao hôm đó…

Hợp cười, vừa đi vừa giải thích:

– Ngày xưa chú có theo thầy học Karaté một thời gian và chú vẫn khổ luyện thường xuyên. Tụi lưu manh Bảy Thẹo chỉ có mấy món võ sơ sài không đánh lại chú đâu nhưng chú không muốn gây chuyện lớn, không muốn tụi nó biết là chú có võ, nhịn được thì nhịn nhưng không ngờ tụi nó làm tới cho nên tối nay chú cho tụi nó một bài học. Hơn nữa đứa nào cũng có vũ khí trong tay, không đánh trả chỉ có nước toi mạng thôi.

– Chú kể chuyện xưa cho Hải Vân nghe với.

– Hải Vân muốn nghe chuyện gì?

– Thì… chuyện chú học võ nè… Chuyện đời của chú nè…

Hợp cười hiền, ánh mắt thoáng lộ nét suy tư buồn bã, rồi với một giọng trầm trầm, chàng kể:

– Thầy chú là người Nhật. Ông là một sĩ quan của quân đội Hoàng Gia Nhật. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, ông ở lại Việt Nam sinh sống như người Việt. Ông lấy tên Việt là Phan Văn Phúc và nói được tiếng Việt lơ lớ. Năm 1963, thầy đã mở ra một võ đường ở dưới chân cầu Đông Ba trong thành phố Huế, lấy tên là Linh Trường Không Thủ Đạo, tiếng Nhật là Suzucho Karaté Do. Suzucho là chữ được ghép từ tên và họ của thầy – Suzuki Choji. Suzucho có nghĩa là một khát vọng lưu truyền sự nghiệp dài lâu như tiếng chuông ngân xa. Thầy là người đã mang môn võ Karaté vào nước mình. Chú là một trong những học trò của khóa thứ nhất. Ngoài dạy võ, thầy rất chú trọng đến việc dạy lễ và tâm. Mặc dù Karaté không có đòn tấn công và chỉ có đòn thủ, nhưng mỗi quyền mỗi cước đánh ra rất mạnh bạo có thể hạ gục đối thủ ngay lập tức. Vì vậy chú không bao giờ muốn ra tay nếu không cần thiết.

– À, hèn chi hôm đó chú cứ đứng chịu đòn làm Hải Vân lo chết được.

Hợp cười dòn.

– Rồi sao nữa… hả chú?

– Hồi đó chú còn là sinh viên đại học Huế, vừa học chữ vừa học võ. Đến khi chú ra trường và cũng vừa lên được Huyền Đai Đệ Tứ Đẳng thì chú vào quân ngũ. Tháng 4 năm 75, miền Nam thất thủ, thầy bị giam 20 tháng. Sau đó thầy được Tòa Đại Sứ Nhật can thiệp và được thả về Nhật.

Hải Vân hỏi:

– Còn năm 75 chú ra sao?

Hợp cười mỉa mai:

– Chú cũng như bao nhiêu đồng đội khác cuốn gói vào “Trại Cải Tạo” để được “cải tạo tư tưởng” đó. Chú bị nhốt ở trại Suối Máu, tức là Trại Tù Tân Hiệp ở Biên Hòa, hết 3 năm…

Hợp ngưng một lát như để quay lại khúc phim dĩ vãng, rồi giọng hơi nghẹn nghẹn, chàng tiếp:

– Dường như những chuyện quan trọng nhất trong đời chú đều xảy ra vào dịp Tết. Người yêu đầu đời của chú đã bị tử nạn trong trận Tết Mậu Thân ở Huế. Tại trại tù Suối Máu, chú đã vượt ngục vào đêm 30 Tết. Rồi chuyến vượt biên này cũng đúng vào đêm Giao Thừa.

Hải Vân rơm rớm nước mắt:

– Chú vượt ngục có thành công không?

– Thành công. Chú là một trong những con Cọp Biển của Sư Đoàn Cọp Biển Thủy Quân Lục Chiến. Ngày trước, các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đồn trú tại khu rừng phía Tây-Bắc của thị xã Thủ Ðức, giáp với Biên Hòa. Hơn nữa, ngay tại đây Sư Đoàn Cọp Biển tụi chú đã từng tham dự một trận đánh rất hào hùng vào năm 68, máu địch chảy thành suối cho nên mới có cái tên “Suối Máu”. Vì vậy, khi chú bị giam vào trại tù này, chú cảm thấy như đó là một định mệnh. Mảnh đất rất quen thuộc mà mình và các anh em Cọp Biển đã từng tung hoành cho nên chú đã quyết định vượt ngục và tin chắc sẽ thoát được ra ngoài.

Hải Vân tròn xoe mắt tỏ vẻ rất hâm mộ:

– Rồi sau đó thì sao hả chú?

– Rồi sau đó… chú thay tên đổi họ, về Bà Rịa trốn tránh một thời gian và chạy được giấy tờ giả. Chú cầm “Giấy Chứng Minh Nhân Dân” giả trở về Cố Đô Huế, là nơi chôn nhau cắt rốn của chú, nhưng cuộc sống ở Huế lúc bấy giờ quá khó khăn nên chú vào Đà  Nẵng. Chú mua được một cái máy ảnh cũ và từ đó đi chụp hình cho mấy bộ đội trên miền núi để tạm sống qua ngày.

Hợp kể tới đây thì hai người cũng vừa rảo bước về đến khu phòng của họ. Nàng như vẫn còn muốn nghe thêm câu chuyện của chàng Cọp Biển năm nào nhưng đêm đã quá khuya, Hải Vân đành chào Hợp tạm biệt. Hợp nói nhỏ:

– Cảm ơn Hải Vân. Hôm nay chú có một ngày rất vui, rất đẹp.

Hải Vân chúm chím cười, miệng như đóa hàm tiếu:

– Hải Vân cũng vậy.

Rồi nàng chạy vụt vào trong. Ngọn đèn le lói trước căn chòi tôn không đủ sáng để Hợp thấy được đôi má hồng vừa ửng đỏ của người con gái miền duyên hải.

. . . . .

(15) Võ Đường Dã Chiến

Sáng hôm sau, khi mặt trời vừa nhô lên tỏa những tia nắng ban mai ấm áp xuống toàn khu trại thì bộ ba Bảy Thẹo lại xuất hiện. Đêm hôm qua tụi nó bị trúng quyền trúng cước của Hợp mà sáng nay mặt mày đứa nào cũng tươi tỉnh dường như chẳng đứa nào bị thương tích gì cả. Số là đêm qua Hợp chỉ muốn cho tụi Bảy Thẹo một bài học chứ không có ý đánh chúng bị thương cho nên Hợp không dùng nhiều lực, chỉ dùng một ít nội lực đánh rớt vũ khí để cảnh cáo mà thôi.

Tụi Bảy Thẹo đi tới đi lui trước khu phòng của Hợp và Hải Vân ra chiều rất nôn nao. Mọi người kẻ ra người vào làm công việc buổi sáng mà cứ phập phồng lo sợ tụi này kiếm chuyện gây hấng. Một lát sau, Hợp từ bên ngoài trở về. Thoáng thấy bóng Hợp, bộ ba Bảy Thẹo chạy nhanh tới… quỳ gối xuống đất, ngồi trên hai gót chân và hai tay khuynh lại đặt lên đùi như cách bái tổ của người Nhật Bản rồi đồng thanh lên tiếng:

– Xin sư phụ nhận chúng con làm đệ tử.

Hợp khựng lại một tí rồi cười thầm – “Có lẽ tụi này đọc truyện kiếm hiệp nhiều quá nên bị lậm rồi.” –  Chàng nói:

– Tôi có gì để dạy cho các cậu đâu.

Nét mặt tụi Bảy Thẹo có vẻ thành khẩn:

– Chúng con muốn bái sư học võ công.

Mọi người đi ngang đứng lại xì xầm. Mỗi người một câu – “Cậu Hợp biết võ à?”; “Chú Hợp có võ công sao?; “Em muốn học võ.”; “Em cũng muốn…”; “Anh Hợp mở lớp dạy võ đi anh Hợp ơi.”; “Học vài chiêu cường thân kiện thể.”; “Đúng rồi.”; “Biết chút võ phòng thân.”…

Chú Tư chủ ghe từ trong bước ra vỗ tay nói lớn:

– Hay quá! Tôi sẽ cho hai đứa con trai của tôi ghi danh ngay.

Hải Vân cũng vừa từ chỗ giặt áo quần trở về nói thêm vào:

– Chú Hợp nhận lời mọi người đi. Hải Vân cũng muốn học Karaté.

Nảy giờ mọi người xôn xao không để ý đến bộ ba Bảy Thẹo. Tụi nó vẫn quỳ ở đó chờ đợi. Hợp tiến đến gần cúi xuống nâng tay tụi nó đứng lên:

– Thôi được. Các cậu đứng dậy đi. Hôm nay để mọi người chuẩn bị tinh thần. Ngày mai chúng ta bắt đầu.

Tiếng vỗ tay, tiếng cười nói, tiếng bàn tán lao xao cả trại.

. . . . .

Võ đường dã chiến là một khoảng sân nằm phía đông của khu trại nơi Hợp đang ở. Sáng sớm hôm sau, một nhóm thanh niên thiếu nữ gần 30 em đã đứng đầy sân.

Hợp bắt đầu buổi dạy học với câu:

– Môn võ Karaté-Do, có nghĩa là Không Thủ Đạo, bắt đầu bằng chữ Lễ và kết thúc cũng bằng chữ Lễ…

Nói đến đây tự nhiên Hợp thấy hình ảnh người thầy khả kính đang ngồi quỳ gối và trước mặt thầy là những môn sinh cũng đang ngồi quỳ gối lắng nghe những lời tâm huyết của thầy. Bất giác Hợp lặp lại những lời thầy đã dạy khi mới nhập môn…

Khác với sự dự đoán của mọi người, buổi học võ đầu tiên lại là buổi học về đạo – Võ Đạo – và chữ Lễ qua các nghi thức chào và ý nghĩa sâu sắc của nó. Hợp hướng dẫn các em những phương cách chào trong Không Thủ Đạo như cách chào truyền thống, chào đứng, chào ngồi, chào vào, chào ra, chào thầy, chào huynh đệ đồng môn, chào trước và sau mỗi buổi tập, chào trước khi giao đấu v.v… Chàng hy vọng với tháng ngày ngắn ngủi trong trại chàng có thể rèn luyện cho những thanh niên đầy triển vọng này một tinh thần võ sĩ đạo đúng nghĩa.

. . . . .

(16) Tình Chàng Ý Thiếp

Thấm thoắt nhóm của Hải Vân ở trong trại tị nạn đã được ba tháng. Để qua ngày, Hải Vân tự nguyện đến văn phòng của Hội Thánh Tin Lành giúp vài việc lặt vặt và cũng như một cơ duyên, nàng đã được giáo hội bảo trợ để đi định cư ở Úc. Hợp nộp đơn theo diện “Cựu Quân Nhân” và chọn Hoa Kỳ, một mảnh đất đầy cơ hội cho những người đã hơn nửa đời dang dở với hai bàn tay trắng muốn làm lại cuộc đời.

Những người tị nạn không có thân nhân ở ngoại quốc bảo lãnh, không có hội từ thiện bảo trợ mà cũng chẳng thuộc vào diện ưu tiên nào thì chỉ có nước nộp đơn rồi ngồi chờ may mắn đến, chờ đợi một đệ tam quốc gia nào đó mở rộng vòng tay đón nhận. Nếu sau một thời gian khoảng hơn một năm mà không có nước nào nhận thì Hoa Kỳ sẽ ra tay nghĩa hiệp hốt hết theo diện “Nhân Đạo” mà người tị nạn gọi là diện “Hốt Rác”.

Người tị nạn gồm đủ mọi thành phần, từ dân trí thức đến kẻ thất học, từ bộ đội miền Bắc đến cựu quân nhân miền Nam, từ công chức đến thương gia, từ người hiền lành đến đám du đãng… Người Việt gốc Hoa cũng khá đông và người Hoa chính gốc cũng kéo đến Hồng Kông không ít. Những người Hoa ở bên Đại Lục nhân nhộn cơ hội vượt biên sang và mạo danh người Việt nhưng đã bị lật tẩy ngay từ đầu và bị tống về lại Trung Quốc. Có một số người tị nạn ra ngoài thành phố làm việc rồi quen được với người Hồng Kông, tâm đầu ý hợp, rồi họ đã chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai. Còn đại đa số thì nộp đơn chờ xin định cư ở một đệ tam quốc gia.

. . . . .

Kể từ ngày mở võ đường, buổi sáng Hợp dạy võ, buổi chiều chàng dạy Anh Văn giúp một số người trong trại có thêm chút vốn liếng Anh ngữ. Hải Vân thì sáng sáng theo Hợp học võ, chiều chiều đến học Anh Văn và một tuần vài lần ghé qua Hội Thánh Tin Lành.

Lúc đó đã sang tháng Năm. Thời tiết ấm hơn hồi nhóm Hải Vân đặt chân lên bờ. Những hạt nắng lung linh nhảy múa trên sân sưởi ấm cho những tâm hồn tị nạn cô đơn lạc lõng trên miền đất tạm dung. Thỉnh thoảng có một vài trận mưa đổ ào xuống. Mưa gội sạch bụi trần và cũng tạm cuốn trôi đi những lo âu trăn trở của người tị nạn bởi vì sau mỗi cơn mưa là một chân trời hồng hiện ra, hứa hẹn một miền đất mới. Tháng 5 ở Hồng Kông vẫn còn là mùa Xuân, mùa của trăm hoa đua nở, mùa của sắc màu rực rỡ, mùa của cây trái đơm bông, mùa của những cặp tình nhân kết nụ.

Một đêm nọ, bầu trời trong veo không gợn áng mây, ánh trăng mười sáu đậm đà quyến rũ, gió nhè nhẹ mang mùi biển cả của Cảng Thơm tỏa ngát một vùng, Hợp cùng Hải Vân ngồi trong khuôn viên của võ đường uống trà thưởng trăng. Đêm về khuya, trăng lên cao chiếu sáng một khoảng sân. Bỗng nhiên Hợp nắm tay của Hải Vân rồi đặt vào tay nàng một tấm giấy gấp làm tư. Tim Hải Vân đập mạnh. Hợp điềm nhiên nói:

– Hải Vân đọc đi.

Rồi chàng dựa lưng vào tường châm một điếu thuốc.

Một thoáng hồi hộp trôi qua, đợi trái tim lấy lại nhịp đập bình thường, Hải Vân mới mở tờ giấy ra đọc dưới ánh trăng…

Thuở ấy em chào đời
Anh là người lính trận
Dừng chân bốn phương trời
Nên duyên tình lận đận

Em cắp sách vào trường
Anh say trời bom đạn
Em đuổi bướm bên đường
Anh ôm tình uống cạn

Đời chiến binh qua mau
Khói lửa liệm thương đau
Anh gông tù ngạo nghễ
Em chớm xõa tóc thề

Anh lên tàu vội vã
Từ giã quê hương mình
Theo dòng đời nghiệt ngã
Em bỏ chốn điêu linh

Nơi đất khách xa vời
Gặp nhau đã muộn rồi… (iv)

Hải Vân,

Chú không phải là thi sĩ nhưng hy vọng bài thơ trên diễn tả được một phần nào hoàn cảnh của chú và Hải Vân. Tháng ngày mình sinh hoạt chung với nhau trong trại tị nạn này đã mang lại cho chú một niềm vui không ngờ đến. Những săn sóc chu đáo, những lo lắng tận tình, những lời nói ân cần… tất cả những điều đó từ Hải Vân đã mang lại cho chú nhiều đêm dài thao thức, chờ mong, hy vọng, vui buồn bất phân… Có phải tại chú đã… yêu… rồi chăng?

Hải Vân chỉ mới bắt đầu bước vào đường đời nhưng chú thì đã đi hết nửa đoạn đời. Có phải đã muộn rồi không, Hải Vân?

Hải Vân yên lặng đọc đi đọc lại lá thư. Tâm hồn nàng xao xuyến. Trái tim nàng nhảy múa rộn ràng. Niềm hạnh phúc đến thật bất ngờ. Nàng đã yêu Hợp từ lâu, từ lúc nào nàng cũng không biết, nàng chỉ biết nàng đang yêu trong câm lặng và cứ ngỡ mối tình của nàng cũng như bao mối tình khác trong những cuốn tiểu thuyết mà nàng đã đọc. Yêu thầm. Yêu đơn phương. Yêu không đúng đối tượng. Yêu không phân biệt tuổi tác. Yêu cuồng. Yêu để rồi cuối cùng phải mang mối tình tuyệt vọng gởi vào biển cả nhờ sóng cuốn ra khơi…

Nhưng không ngờ…

Đêm nay Hải Vân thấy ánh nguyệt đẹp tuyệt vời và dường như chị Hằng đang nhìn xuống mỉm cười chia sẻ niềm vui với nàng.

– Chú, bài thơ hay lắm! Nhưng đoạn cuối còn dang dở. Hải Vân làm tiếp nghe.

Nói xong Hải Vân đọc luôn mấy câu thơ vừa nghĩ ra trong đầu:

Nơi đất khách xa vời
Gặp nhau giữa đoạn đời
Tình ta chưa hề muộn
Dạt dào tựa biển khơi.

Hợp cười lớn:

– Ứng khẩu thành thơ. Giỏi! Giỏi!

Hải Vân cũng cười tươi. Hợp quay qua bẹo bẹo đôi má của Hải Vân rồi nói:

– Vậy là mình đã hiểu lòng nhau rồi nhé. Từ nay hãy gọi Chú bằng Anh và đừng gọi Anh bằng Chú nữa, nghe không?

Hải Vân tựa đầu vào vai Hợp “dạ” nhỏ nhẹ. Nàng Nguyệt nghiêng nghiêng bóng rồi khuất sau triền núi trả lại không gian riêng cho đôi tình nhân vừa kết một nụ tình.

. . . . .

Đám cưới của Hợp và Hải Vân diễn ra đơn sơ nhưng thật vui nhộn. Hợp mặc chiếc quần tây đen và áo sơ-mi xanh, màu của đại dương. Hải Vân trong bộ áo dài hồng, màu của một chân trời mới. Bộ ái dài do một người Việt mà Hải Vân quen biết được khi đi dạo chơi ở khu chợ trời Thâm Thủy Bộ gởi tặng. Tuy Hợp và Hải Vân cách nhau 20 tuổi nhưng họ nhìn thật xứng đôi. Chàng phong sương vững chãi như một ngọn núi. Nàng yêu kiều dịu dàng tựa một dòng sông. Họ không có nhẫn cưới mà chỉ có hai sợi dây chuyền trao nhau để làm tín vật. Hải Vân đeo cho Hợp sợi dây chuyền nàng đã giấu trong lưng quần mang từ Việt Nam sang. Hợp choàng vào cổ Hải Vân một sợi dây bi có mặt là đầu của một viên đạn đã ghim vào đùi của Hợp trong một lần hành quân năm xưa. Những người ở cùng khu của Hợp và Hải Vân tình nguyện nấu thức ăn. Mỗi người mang đến một phần nhỏ để cùng chia vui. Bộ ba Bảy Thẹo từ ngày nhập môn học võ đã cải tà quy chánh. Hôm nay cả ba hớn hở diện những bộ đồ tươm tất nhất để làm phụ rễ. Ca sĩ nhà rất đông, cùng nhau ca hát để chúc mừng và chúc lành cho đôi uyên ương.

. . . . .

(17) Đổi Đời Lần Nữa

Sau lễ cưới, Hợp bổ túc hồ sơ để xin cho Hải Vân được cùng sang Mỹ với chàng. Sáu tháng sau kể từ ngày đặt chân lên Hồng Kông, vợ chồng Hợp và Hải Vân đã được đến Hoa Kỳ, một miền đất của tự do và của cơ hội.

Cuộc đổi đời lần thứ hai của Hải Vân cũng tràn ngập những giọt nước mắt nhưng đó là những dòng lệ hạnh phúc.

. . . . .

Hải Vân tựa vào lòng Hợp nhìn mặt trời từ từ lặn xuống. Tà dương trên bãi biển Laguna Beach thật đẹp. Nàng thả hồn đi xa hơn để về bên kia bờ đại dương nơi có dì Hải Yên đang mòn mỏi ngóng trông đợi chờ.

. . . . .

Chú thích:

(i) Chuyến vượt biển từ Đà Nẵng đến Hồng Kông: Hai người cậu của mình đã vượt biển trên chiếc ghe chở 34 người, đã bị lạc vào đảo Hải Nam và sau đó gặp bão biển rồi cuối cùng cũng đã được thuyền chài Hồng Kông đưa vào bờ.

Cám ơn cậu Duy đã kể lại chuyến đi này để BB có tư liệu viết truyện.

(ii) Bầm Ơi (thơ Tố Hữu)

(iii) Đi Ra… Đi Vào… (thơ sưu tầm)

(iv) Thuở Ấy Anh và Em (thơ HTNBB)

HTNBB
24Jan016

27 responses to “Đổi Đời – Phần 1 – 17 (hết truyện)

  1. cám ơn chị BB đã viết truyện này, có nhiều người bảo rằng những chuyện vượt biên là những chuyện đã xưa đã cũ bởi bây giờ bao nhiêu người đã trở về nơi chốn mình đã bỏ đi nhưng HY nghĩ có những điều xưa cũ vẫn cần phải hâm nóng, để thế hệ con cháu mình hiểu tại sao bố mẹ ông bà nó đã phải bỏ tất cả để ra đi – ngay cả đôi khi là mạng sống của chính mình.

    Liked by 3 people

  2. Pingback: ĐỔI ĐỜI – PHẦN 1 – 17 (HẾT TRUYỆN) – Huyền Tôn Nữ Bảo Bình | Alain Bảo·

  3. Bảo Bình ơi, đọc lại câu chuyện này lần nữa đây Em. Thấy vui nhiều cho những ai tìm được hạnh phúc như Hải Vân và Hợp. Em viết rất hấp dẫn, đọc không thấy chán cứ muốn đọc hoài 🌹😁

    Liked by 1 person

Rất mong được thấy lời nhận xét của bạn đọc.