Bánh Tét Chiên Đêm Giao Thừa

Tết năm nay mua được mấy đòn bánh tét ngon. Đòn nhỏ không quá lớn nên dễ cầm dễ tét. Khi lột mấy lớp lá ra thì thấy bánh có màu xanh tự nhiên của lá chuối rất đẹp. Bánh thì dẻo và có mùi thơm. Chiên lên thì nhân vẫn còn dính vào lát bánh chứ không bị rớt ra. Có năm gặp mấy đòn bánh tét trời ơi đất hỡi, mới vừa cắt ra thì lát bánh đã có một cái lỗ ở giữa vì nhân bị rớt mất tiêu, khi chiên lên thì nhân đi đường nhân bánh đi đường bánh. Có đòn để vài ngày thì bánh sống lại, lột lá ra nếp rơi lả tả. Chẳng hiểu tại sao lại như vậy nhưng nghe nói tại người ta nấu không đủ lửa chỉ nấu vừa chín tới để mang đi bán nên bánh mới bị như vậy. Hồi ở bên Việt Nam, bánh tét để cả hơn 10 ngày sau Tết mà ăn vẫn ngon, không hề bị hư hay bị sống mặc dù để ở ngoài chứ không có tủ lạnh.

Lúc nhỏ khi còn ở quê nhà, đêm Giao Thừa năm nào cũng thức với bà ngoại cho đến một hai giờ sáng. Thời đó ai cũng đi ngủ sớm vì buổi tối chẳng biết làm gì, không Ti Vi lại không máy móc hiện đại tối tân như Computer, iPhone, iPad… như bây giờ. Buổi tối khoảng 9 giờ là đa số ai cũng chui vô mùng hết rồi. Mười giờ là thấy đã khuya cho nên nếu thức được tới 12 giờ đêm coi như là “đại sự” đó. Năm nào cũng chỉ có hai bà cháu thức đón Giao Thừa. Mấy cậu mấy dì chẳng có ai thức nổi. Giao Thừa năm nào cũng lăng xăng giúp ngoại chuẩn bị bàn thờ ở ngoài sân để cúng đất đai thổ thần, dọn bánh mứt, hương trà lên bàn thờ trong nhà để cúng ông bà. Ngoại tét bánh tét thần sầu. Một tay cầm đòn bánh tét, tay kia cầm một đầu sợi chỉ, răng cắn đầu sợi chỉ kia và cứ thế ngoại quấn sợi chị vòng quanh đòn bánh tét và kéo một cái… thế là từng lát bánh tét rớt xuống dĩa, lát nào cũng đều đặn bằng nhau, y hệt một võ sĩ chém ra những đường kiếm thật ngọt ngào không sai lệch một ly.

Những năm còn được đốt pháo thì có cậu thức với hai bà cháu và đúng 12 giờ đêm cậu châm ngòi cho dây pháo nổ vang để tống cựu nghinh tân. Mấy năm sau không còn được đốt pháo nữa nên đêm Trừ Tịch đi qua trong lặng lẽ. Tuy vậy, nhà ngoại không bao giờ thiếu mùi trầm hương và ánh đèn cầy lấp lánh trên bàn thờ. Cúng Giao Thừa xong thì mắt đã ríu lại. Chỉ còn một mình bà ngoại thức để dọn dẹp.

Tết đến chỉ mê ăn bánh tét, nhất là bánh tét chiên chấm xì dầu ớt. Sáng sớm Mồng Một ngoại là người dậy sớm nhất nhà ngồi chiên từng lát bánh tét để cả nhà dậy là có bánh tét chiên lót bụng buổi sáng đầu năm. Ngoại ngồi co ro bên bếp lửa hồng. Năm nào dùng bếp củi thì ngoại vừa thổi lửa vừa chụm củi vừa chiên bánh tét. Có năm “gạo châu củi quế” phải nấu bằng trấu thì ngoại lại một tay vừa gạt tro vừa châm thêm trấu vào lò, một tay trở những lát bánh tét. Nấu bằng trấu cực hơn nấu bằng củi nhiều. Có lẽ thế hệ bây giờ không còn biết “lò trấu” là gì nữa rồi.

Những lát bánh tét vàng óng dòn rụm và thơm phưng phức chào đón một năm mới an lành thịnh vượng. Đớp một bụng bánh tét chiên xong, diện bộ đồ mới vào chúc Tết ngoại và cả nhà để được nhận tiền lì xì. Hồi đó dù ngoại có túng thiếu thế nào đi nữa ngoại cũng cố gắng may cho đứa cháu cưng bộ áo quần mới để mặc ăn Tết. Năm nào cũng vậy. Đó là một phong tục không thể thiếu đối với đám trẻ con. Mong ngóng Tết tới để có áo quần mới mà mặc. Không biết trẻ con ở Việt Nam bây giờ có còn háo hức mặc đồ mới vào dịp Tết nữa không (?). Cái tâm trạng háo hức này theo mình cho đến năm 15 tuổi, lúc qua Mỹ mới hết. Mấy năm đầu ở Mỹ không có không khí Tết. Chỉ những năm sau này người Việt sang càng ngày càng đông nên Tết mới xuất hiện trên xứ người.

Sáng Mồng Một chúc Tết người lớn và nhận tiền lì xì xong rồi theo ngoại lên chùa lễ Phật xin xăm. Ngoại mặc áo dài, còn mình thì diện bộ đồ Tây mới cáu ủi li láng bóng. Hồi nhỏ có bao giờ mặc áo dài đâu, quê lắm! Mà hình như thời mình còn ở trong nước, thập niên 1975 đến 1985, đâu có ai bận áo dài, rất ít, chỉ thấy mấy cô giáo “Ngụy” mặc áo dài đi dạy và mấy bà già mặc áo dài đi chùa thôi. Không như trước ’75, nghe kể đa số phụ nữ Việt ra đường đều mặc áo dài. Đặc biệt ở xứ Huế, ngay cả những người buôn thúng bán bưng cũng mặc áo dài gánh hàng đi bán làm cho những người trong miền Nam ra thấy rất lạ mắt cứ đứng nhìn ngẩn ngơ. Bây giờ lớn rồi mới thấy cái đẹp của chiếc áo dài Việt Nam và nhất là đang ở xứ người thì lại thấy quý mến cái áo dài hơn nữa.

Những ngày trước Tết thường giúp ngoại làm mứt và gói trưởi. Trưởi là món ăn của xứ Quảng Nam tương tự như tré của người Huế. Trưởi hình vuông, tré hình dài. Thành phần chính của trưởi gồm có thịt đầu heo, tai, mũi, lưỡi heo và một ít da với thịt nạc. Gói trưởi trước Tết chừng 10 ngày để cho trưởi lên chua ăn rất hấp dẫn. Nếu có thêm chai bia nhâm nhi với gói trưởi thì tuyệt cú mèo. Ngồi lau lá ổi nhân tiện lựa thịt nạc ra riêng, bỏ bớt phần đầu heo (từ nhỏ đến lớn mình không bao giờ ăn được thịt mỡ và đầu heo), bỏ bớt riềng (tại không thích cái cay của riềng), rồi tự gói vài gói trưởi nhỏ hơn theo ý thích. Những gói trưởi vuông vức lá xanh biếc được ngoại cột với nhau thành từng chùm rồi treo phía sau cánh cửa nhà bếp. Ngoại thường làm hai loại mứt đó là mứt dừa và mứt gừng. Ngồi xem ngoại làm mứt rồi lâu lâu lượm mấy miếng dừa rẻo bỏ vào miệng.

Thế đó… Những cái Tết thời tuổi thơ chẳng bao giờ quên được và những cảm giác háo hức chờ đợi ngày Tết và mấy miếng bánh tét chiên của ngoại cũng chẳng bao giờ có lại được.

Tối nay đứng trong bếp chiên mấy lát bánh tét, nhìn ánh lửa bập bùng… bỗng thấy hình ảnh ngoại già của thuở xa xưa…

HTNBB
07Feb016
(Giao Thừa 2016)

12 responses to “Bánh Tét Chiên Đêm Giao Thừa

  1. Tuổi thơ của BB với Bà Ngoại thật tuyệt vời. BB có một kho tàng kỷ niệm về Tết.
    Mình cũng nhớ có một thời lúc mình còn bé lắm, mẹ mình ra đường là mặc áo dài. Những năm bẩy mươi sau thì không ai mặc thế nữa ,chỉ vào dịp Tết thôi

    Liked by 2 people

Rất mong được thấy lời nhận xét của bạn đọc.