Mùa Xuân Trong Nhà

Vừa thay chậu cho mấy nàng lan xong. Điểm danh lại thì ôi chao tổng cộng có đến 68 nàng.

orchid

Lan Hồ Điệp – “Mỗi nàng một vẻ mười phân vẹn mười.”

Tôi thích chưng hoa lan và chỉ Lan Hồ Điệp (Phalaenopsis Orchids) mà thôi. Tôi cũng mới bắt đầu săn sóc lan hồ điệp vài năm gần đây. Không dám nói mình trồng lan vì không phải là “orchid grower”, chưa bao giờ thử trồng lan từ hạt giống mà chỉ mua những chậu lan đã có sẵn hoa về chưng, rồi tiếp tục chăm sóc… Cũng không dám nói là “chơi lan” vì cảm thấy mình chưa đủ trình độ này. Tôi không nghiên cứu gì nhiều về các loại hoa lan, chỉ quen biết mỗi một mình nàng lan hồ điệp vì nàng ta dễ tánh, dễ sống, không kén chọn.

DSC08020

Tôi không mua lan loại đắt tiền năm sáu chục hay cả trăm đô la mà thường mua lan ở Home Depot chỉ có mười mấy đồng một chậu thôi hoặc la cà vào những tiệm bán lan mua những chậu mà đã bị “ma chê quỷ hờn”, tàn bông rụi lá rồi mang về chăm sóc.

DSC05352

June 2011

Thích lan hồ điệp vì loại lan này rất lâu tàn, có năm một chậu hoa màu trắng và tím nhạt nở đến tám tháng vẫn chưa tàn.

Tám tháng vẫn chưa tàn.

Tám tháng vẫn chưa tàn (May 2012)

Thích lan hồ điệp vì lá của nó không nhọn mà có cạnh tròn và dày (thích hợp chưng trong nhà theo khoa Phong Thủy) và lá cũng rất lâu vàng úa. Lá mọc hai bên đối xứng nhau và chồng lên nhau hết tầng này đến lớp nọ rất gọn gàng. Vài chậu lan của tôi đã có đến sáu tầng lá mà lớp lá thứ nhất vẫn chưa vàng.

6 tầng lá (Dec. 2014)

6 tầng lá (Dec. 2014)

Thích lan hồ điệp vì nó đẹp, đẹp đơn giản, nhìn như giả mà thật. Lan hồ điệp đã được tả bằng rất nhiều danh từ tính từ mỹ miều rồi nên tôi chỉ muốn dùng một chữ đơn giản là “đẹp” mà thôi.

May 2012

May 2012

May 2013

May 2013

May 2013

May 2013

Thích lan hồ điệp vì dễ chăm sóc. Lan hồ điệp không đòi hỏi nhiều, chỉ cần năm yếu tố: nước, không khí, ánh sáng, độ ẩm và nhiệt độ. Sau đây là một vài kinh nghiệm qua mấy năm chăm sóc lan và đồng thời học hỏi được từ những lớp Orchid Expo hàng năm.

NƯỚC – Trước hết là nước. Điều này rất quan trọng. Tưới nhiều hay ít, thường xuyên hay không còn tùy thuộc vào vật liệu dùng trồng lan (potting medium) là vỏ cây (bark) hay rêu (moss). Tôi thích rêu hơn vì rêu giữ lại nước lâu hơn vỏ cây, không cần tưới thường xuyên.

Khi nào chậu hoàn toàn khô hẳn, nhấc lên thấy nhẹ hẫng là lúc cần tưới. Nhưng cũng đừng để khô quá lâu, tuy vậy, thà thiếu nước lan hồ điệp vẫn sống được vì một yếu tố quan trọng khác nữa là không khí. Nếu để dư nước, rễ lúc nào cũng bị ẩm sẽ dễ bị thối và từ từ sẽ làm lan chết. Vì vậy đừng bao giờ để rễ lan bị úng nước.

Apr. 2012

Apr. 2012

Mỗi lần tưới nước tôi mang từng chậu ra bồn rửa chén xả cho nước chảy xuyên qua ướt đẫm, để ráo nước rồi mang về chỗ cũ. Tránh không cho nước văng vào lá nhất là ở cuống lá (crown), nếu bị ướt thì lấy khăn giấy hoặc Q-Tip thấm nhẹ cho khô. Thay vì mang từng chậu đi tưới thì có thể bỏ vào chậu vài cục nước đá để cho nó từ từ tan ra. Tôi không thích dùng cách này. Xả cho nước chảy xuyên qua chậu lan để làm trôi đi những chất muối trong nước đọng vào rễ của lan vẫn tốt hơn.

Jan. 2011

Jan. 2011

KHÔNG KHÍ – Không khí cũng rất quan trọng. Lan hồ điệp thuộc loại “air plant” vì thích không khí thoáng mát. Bởi vậy có những chậu lan rễ mọc tua tủa ra bên ngoài không cần phải được ủ trong rêu hay vỏ cây mà vẫn sống rất mạnh.

Sept. 2011

Rễ vươn ra ngoài để tìm không khí và ánh sáng (Sept. 2011)

Nên dùng chậu có nhiều lỗ hoặc nhiều khe hở. Lan hồ điệp không nhất thiết phải được bọc trong rêu hay vỏ cây. Có thể chưng lan trong chậu thủy tinh hoặc gắn lan vào một miếng gỗ mà không cần rêu hay vỏ cây bao bọc chung quanh, nhìn rất đặc biệt. Nếu theo cách này thì cần ngâm rễ lan trong nước chừng 10 phút mỗi tuần.

Để như vậy cũng được nhưng nhớ ngâm rễ vào nước mỗi tuần một lần khoảng 10 phút (Oct. 2014)

Để như vậy cũng được nhưng nhớ ngâm rễ vào nước mỗi tuần một lần khoảng 10 phút (Oct. 2014)

Lan trên gỗ (Nov. 2014)

Lan trên gỗ (Nov. 2014)

ÁNH SÁNG – Lan hồ điệp cũng rất thích ánh sáng, hoặc ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng đèn. Nơi tốt nhất là bên cạnh cửa sổ nhưng đừng để ánh nắng rọi thẳng vào. Nếu vị trí đó mặt trời có thể nhìn xuyên qua cửa thì nên có bức màn mỏng hoặc mini-blinds che bớt. Lá lan có màu xanh tươi mơn mởn bóng loáng. Nếu màu xanh quá đậm hoặc mềm và rũ xuống là do thiếu ánh sáng. Tôi chưng mấy nàng lan dọc theo các cửa sổ nhìn ra vườn, nơi lý tưởng nhất trong nhà.

Jan. 2011

Jan. 2011

ĐỘ ẨM – Lan hồ điệp cần độ ẩm cao. Chưng lan ở gần nhà bếp nơi cung cấp độ ẩm cho lan từ hơi nước của vòi nước nóng lúc rửa chén hoặc khi nấu ăn là tốt nhất. Hoặc có thể dùng một khay sỏi nhỏ có nước rồi đặt lan lên đó. Tôi chưa bao giờ dùng khay sỏi. Tôi chưng lan trong phòng sát với nhà bếp, hai phòng thông nhau nên những lúc nấu ăn hoặc rửa chén có thể đứng chiêm ngưỡng mấy nàng lan đang mĩm cười khoe sắc.

Nov. 2010

Nov. 2010

NHIỆT ĐỘ – Nhiệt độ thì rất dễ, đừng quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt độ trong nhà khoảng 70 đến 80 độ F là được.

May 2013

May 2013

Ngoài năm yếu tố trên, còn một vài điều khác cũng cần nên biết như:

THỨC ĂN – Thức ăn (phân bón) không cần thiết lắm. Nếu muốn thì có thể cho một tháng 2 lần, quên cũng không sao. Dùng loại orchid food nào cũng được.

May 2013

May 2013

CHẬU – Tôi thích dùng chậu nhựa trắng trong (clear) có đục nhiều lỗ để rễ của lan có thể nhận được ánh sáng và không khí dễ dàng. Vì vậy không nên đặt lan vào những chậu sành sứ sẽ bị che hết ánh sáng và không được thoáng.

Chậu nhựa trắng trong rất thích hợp cho lan hồ điệp (Dec. 2014)

Chậu nhựa trắng trong rất thích hợp cho lan hồ điệp (Dec. 2014)

Lan hồ điệp không cần chậu quá rộng, lan thích chậu nhỏ và hẹp. Chậu có đường kính chừng 6 phân tây hoặc nhỏ hơn là đủ rồi. Dùng chậu lớn nhỏ còn tùy mỗi cây lan có rễ dài hay ngắn nhiều hay ít nữa.

Tôi có nhiều cây lan lá mọc dài và có nhiều tầng rất nặng, để trong những cái chậu nhựa mua ngoài tiệm yếu quá cứ bị ngã hoài nên mới nghĩ ra cách là dùng nắp nhựa của mấy hộp CD/DVD rồi xoi lỗ dưới đáy và chung quanh, cắt bớt chiều cao tùy theo nhu cầu, thế là có được một cái chậu cao thấp tùy ý. Rồi làm cách nào xoi lỗ? Mang ra Home Depot hỏi, mấy ổng bảo mua cái máy khoan. Trời nợ, cắt cổ gà mà dùng dao mổ bò! Sau đó tôi lên Internet tìm tòi thì thấy có người chỉ cách mà họ đã dùng để xoi lỗ cho mấy chậu nhựa trồng cây, đó là dùng cái Solder (dụng cụ để hàn kim loại), chỉ cần cắm vào ổ điện nó sẽ nóng lên có thể làm chảy nhựa, muốn xoi bao nhiêu lỗ chẳng được. Thế là khỏe re, có đồ nghề đầy đủ, tha hồ làm chậu mới cho mấy nàng lan mà khỏi cần tốn tiền mua chậu.

DSC07599

THAY CHẬU – Mỗi năm nên thay rêu hoặc vỏ cây mới để tránh những chất hóa học hoặc muối từ nước bám vào không tốt cho rễ lan. Nếu thấy rễ lan mọc ra ngoài quá nhiều mất thẩm mỹ thì sang qua chậu lớn hơn. Lần đầu tiên tôi thay chậu cho mấy nàng lan của tôi đã cách đây 3 năm rồi, lần này là lần thứ nhì. Trong ba năm qua không thay rêu mới lan vẫn nở tươi tốt.

Bãi chiến trường - repotting site (Dec. 2014)

“Bãi chiến trường” – repotting site (Dec. 2014)

Thời gian thay chậu tốt nhất là lúc hoa đã tàn và rụng hết. Khi thay chậu thì gỡ bỏ hết những rêu hay vỏ cây cũ đi, cắt bỏ những sợi rễ đã hư thối, nếu cầm tay vuốt mà nó rớt ra là rễ đó đã chết rồi. Ngâm rêu hay vỏ cây mới vào xô nước qua một đêm rồi vắt khô sau đó cho vào chậu. Đừng dùng quá nhiều rêu và đừng nhận quá chặt. Nên dùng loại rêu New Zealand Sphagnum sợi dài và tốt, có bán trên Internet (growingsuppliesonline chấm com) rất rẻ, giá 24 đô la 1 ký đủ dùng cho khoảng 50 chậu lan.

Spagmoss

Spagmoss

Spagmoss product of New Zealand (not China).

Spagmoss product of New Zealand (not China).

orchidafterrepotdec2014

… đang bắt đầu đâm chồi và nẩy nụ chuẩn bị đón Tết 2015 (Dec. 2014)

CẮT CÀNH – Sau khi hoa đã tàn và rụng hết, nhiều người sẽ cắt cành đi chỉ chừa lại một khúc chừng 3 lóng tay. Tôi thì thích để y cành như vậy trừ khi cành bị vàng úa, khúc nào vàng cắt khúc đó, vì theo kinh nghiệm tôi để lại cành cũ những cành mới sẽ mọc ra từ đó và có khi cây con có đủ cả rễ và lá cũng mọc ra từ đó nữa. Tôi có mấy chậu đã mọc cây con nhìn rất lạ mắt. Nếu không muốn để vậy thì có thể cắt cây con ra cho vào chậu khác (cắt một đoạn cỡ 3 phân từ chỗ rễ mọc ra).

Cành của cây mẹ đã bị chết một nửa phía bên trái nhưng bên phải còn tươi, cây con mọc ra từ đó (Oct. 2014)

Cành của cây mẹ đã bị chết một nửa phía bên trái nhưng bên phải còn tươi, cây con mọc ra từ đó (Oct. 2014)

Chiếc cây con ra khỏi cây mẹ (Oct. 2014)

Chiết cây con ra khỏi cây mẹ (Oct. 2014)

Cây con mọc ra từ cành mẹ (Apr. 2012)

Cây con mọc ra từ cành mẹ. Mẹ một nhánh hoa, con một nhánh hoa (Apr. 2012)

Năm sau cây con đơm nụ lần thứ 2 (Mar. 2013)

Cây con đơm nụ lần thứ 2 (Mar. 2013)

Cây con còn mạnh hơn cây mẹ nữa (May 2013)

Cây con (có rễ và lá mọc ra từ thân cây mẹ) còn mạnh hơn cây mẹ, có tới 2 nhánh hoa, trong lúc đó mẹ nuôi con sức tàn lực kiệt không có nhánh hoa nào nữa. Trong trường hợp này nên cắt cây con ra chậu khác. (May 2013)

Cây con - Dec. 2014

Một cây con khác – Dec. 2014

BỆNH TẬT – Lan cũng bị bệnh đó nghen. Nhiều bệnh khác nhau lắm, nhưng lan của tôi đã bị 2 chứng bệnh nên sẽ kể kinh nghiệm của 2 bệnh này thôi.

Thứ nhất là bệnh rệp trắng, không rõ nguyên nhân. Theo kinh nghiệm thì ngày xưa lúc còn chưng lan trong văn phòng làm việc thì lan hay bị bệnh này (có lẽ thiếu ánh sáng và độ ẩm). Từ ngày chưng lan bên cửa sổ ở nhà thì không bị nữa. Rệp trắng là những con sâu nhỏ trắng như bột bám trên hoa và lá. Dùng khăn giấy nhúng alcohol 70 độ lau sạch là được. Nếu lá lan bị bụi bặm cũng có thể dùng alcohol lau sạch lá sẽ mau khô hơn là dùng nước.

Bệnh thứ 2 mấy nàng lan của tôi đã bị và vô phương cứu chữa đó là bệnh nhiễm trùng (do con vi trùng nào từ đâu đó tới gây ra). Lá vẫn xanh tươi nhưng đùng một cái thấy ở cuống lá đen thui và lá tự động rớt ra khỏi cuống, hết lá này đến lá khác, thế là xong… Tôi đã bị chết hết 10 nàng lan vì bệnh này.

Lan bị nhiễm trùng (Dec. 2012)

Lan bị nhiễm trùng (Dec. 2012)

orchidbenhdec2012

Lan bị nhiễm trùng (Dec. 2012)

Apr. 2012

Apr. 2012

Tóm lại, đọc bài này thì thấy rườm rà dài dòng quá nhưng thực tế thì rất đơn giản. Tôi chẳng săn sóc gì nhiều cho mấy nàng cả. Cho mỗi nàng một cái chậu màu trắng trong và một vài nắm rêu, để cạnh cửa sổ, mỗi tuần tưới một lần. Chỉ có vậy thôi!

Nàng lan này bông có màu sắc rất lạ, thật đẹp, tôi chưa hề thấy cây thứ hai nào giống y như vậy.

Nàng lan này bông có màu sắc rất lạ, thật đẹp, tôi chưa hề thấy cây thứ hai nào giống y như vậy.

Mấy nàng lan của tôi thay phiên nhau ra hoa quanh năm. Tháng 11 bắt đầu nẩy cành và nụ mới, đến tháng 2 hoặc tháng 3 hoa nở và kéo dài tới tháng 9 tháng 10 mới bắt đầu tàn.

May 2013

May 2013

Bây giờ là tháng 12 mấy nàng đang sinh thêm cành và nụ, hy vọng sẽ nở hoa vào dịp Tết năm nay. Trong thời gian mấy nàng lan đang nghĩ ngơi dưỡng sức không có hoa, chỉ nhìn những cành lá to với bản tròn và dày, thỉnh thoảng nhú ra một lá non nhỏ xíu và lúc nào cũng xanh tươi là thấy đủ đẹp mắt rồi.

May 2013

May 2013

Vì vậy lúc nào tôi cũng có mùa xuân trong nhà.

 

HTNBB
12Dec014

13 responses to “Mùa Xuân Trong Nhà

    • Ơ sao lạ nhỉ, cũng nhiều người than với mình là lan hồ điệp của họ cũng nở xong 1 đợt khi mua về rồi lại ngủm. Mình thì thấy nó dễ ẹt hà, thật sự làm chẳng chăm nom gì nhiều, chỉ tưới nước thôi. Có người nói mình “có tay” nuôi lan hihih 🙂

      Liked by 2 people

Rất mong được thấy lời nhận xét của bạn đọc.