Ngũ Quan

Tạo hóa cho con người 5 giác quan: thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, và khứu giác. Nếu thiếu một trong ngũ quan đó thì con người sẽ như thế nào?

Ngũ Quan

Ngũ Quan (Hình lượm trên Nét)

5 senses eyeThị giác là đôi mắt. Trong văn học, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Con người đọc bằng mắt, nhìn bằng mắt. Có người còn nghe bằng mắt, nói bằng mắt, cười bằng mắt, yêu bằng mắt… Các nghiên cứu khoa học cho rằng thị giác là giác quan tối quan trọng vì con người cần đến 1/4 các tế bào thần kinh của não bộ để tiếp nhận các hình ảnh qua thị giác.

So với các giác quan khác thì mắt có nhiều bệnh tật nhất, có trên dưới 50 chứng bệnh về mắt. Thông thường là cận thị, viễn thị và loạn thị. Tuổi già thì bị lão thị. Những bệnh này có thể khắc phục dễ dàng bằng cách đeo mắt kính. Cũng có thể chữa trị bằng cách làm phẫu thuật Lasik.

Có một vài bệnh về mắt có thể dẫn đến nguy cơ mù lòa như Glaucoma hay Corneal Disease.

Hiện tượng áp suất của mắt tăng lên và đè các dây thần kinh thị giác gọi là Glaucoma. Bệnh này làm cho thị lực yếu dần dần, nặng có thể bị mù. Tại sao áp suất mắt lại bị tăng lên? Trong mắt lúc nào cũng có một chất lỏng (không phải nước mắt) và nước này cũng cần luân lưu như một dòng sông. Khi những “dòng sông” trong mắt bị nghẽn không luân lưu được thì chất lỏng này tụ lại trong mắt và lâu ngày sẽ tạo thành áp suất đè lên những dây thần kinh của mắt. Nếu nhẹ thì mắt sẽ được đục lỗ và đặt một cái ống nhỏ để chất lỏng thoát ra giảm bớt áp suất. (Đặt vào mắt một cái ống nghe dễ sợ vậy chứ tất cả đều nằm phía sau và bên trong mắt, chỉ có bác sĩ mới thấy thôi). Tuy nhiên qua một thời gian những cái ống li ti này cũng có thể bị trít lại cho tới khi không còn chỗ để đục khoét đặt ống gì được nữa thì mắt sẽ được giải phẫu bằng Laser. Đây cũng chỉ là tiểu giải phẫu. Song song với việc giải phẫu và đục khoét là việc nhỏ thuốc và uống thuốc để giữ cho áp suất không tăng lên. Giải phẫu năm lần bảy lượt và thuốc thang ngày sáu bảy cữ triền miên năm này qua tháng nọ và nếu may mắn thì giữ được áp suất không tăng, thị lực chỉ bị yếu chứ không đến nỗi mù lòa. Nếu thuốc men và giải phẫu không còn hiệu nghiệm, áp suất mắt tiếp tục tăng cao, dây thần kinh mắt tiếp tục bị đè thì mắt không còn nhìn thấy được nữa.

Một bệnh nặng hơn mà đôi mắt có thể gặp phải là chứng Corneal Disease, giác mạc của mắt bị hư vì bị nhiễm trùng, bị trầy, bị đục. Giác mạc có thể xem như cửa sổ của đôi mắt, nơi để ánh sáng rọi vào. Giác mạc trong suốt như một mặt kính thủy tinh giúp ánh sáng chiếu vào võng mạc để mắt có thể nhìn thấy. Khi giác mạc bị hư nó sẽ giống như miếng thủy tinh bị mờ nhìn xuyên qua không thấy được rõ ràng, lúc ấy thị lực sẽ bị giảm từ từ. Giác mạc hư có thể chữa trị bằng cách nhỏ thuốc nếu nhẹ, nặng thì được ghép hoặc thay thế bởi một giác mạc khác của người hiến giác mạc. Phương pháp này gọi là Corneal Transplant. Việc thay giác mạc có thể làm nhiều lần nếu lần đầu không thành công. Nhưng sát xuất thành công càng về sau càng thấp. Nếu may mắn chỉ cần thay một lần. Nếu không may thì một thời gian sau, khoảng một năm, giác mạc mới cũng sẽ bị hư. Khi cơ thể có sức đề kháng mạnh, những vật gì lạ đi vào sẽ bị đẩy ra từ từ một cách tự nhiên, cho nên thay thế giác mạc của người khác vào cũng có thể sẽ bị cơ thể đẩy ra. Khó trị bệnh này một cách tuyệt đối. Giác mạc bị hư thì mắt bị mù.

The Eye Chart

Khi chữ E to tổ bố trên tấm bảng đo thị lực cũng mờ dần mờ dần là lúc thị lực đã không còn bao nhiêu, chỉ có thể nhìn thấy mờ mờ ảo ảo không xa hơn 2 thước Tây thì con người sẽ phải dựa dẫm vào bốn giác quan còn lại. Đặc biệt là thính giác và xúc giác là hai giác quan giúp nhiều cho những người yếu thị lực. Lúc ấy sẽ nghe nhiều hơn là thấy. Nghe giọng nói. Nghe tiếng động. Và xúc giác giúp người yếu thị lực rờ, mò và cảm được những vật thể, hình dạng chung quanh để đoán và nhận thức thay vì nhìn thấy…

5 senses earNhưng khi cơ thể của con người suy yếu dần vì bệnh tật triền miên, ngũ quan cũng theo đó mà suy thoái. Một người bệnh nằm hoài một chỗ thính giác tự nhiên cũng yếu, lỗ tai lùng bùng, cộng thêm tiếng động của những thiết bị y khoa chung quanh khiến thính giác không còn thính nữa, nghe không được rõ ràng nữa. Lúc đó thính giác bị mất từ từ.

5 senses handXúc giác phần lớn là ở đôi bàn tay. Cầm, nắm, sờ… để cảm giác sự vật chung quanh. Con người khi lão hóa hay bệnh tật thì tay chân cũng trở nên yếu đuối run rẩy. Có khi không còn cầm được một vật nào nữa. Bàn tay không thể nắm lại. Cánh tay không thể giơ lên. Lúc này xúc giác có cũng như không.

5 senses mouthVị giác cho con người thưởng thức được những món ngon vật lạ trên đời. Khi về già vị giác cũng sẽ từ từ biến mất. Ăn sẽ không còn thấy ngon, không còn phân biệt được vị của thức ăn nước uống. Và khi tình trạng sức khỏe không cho phép thức ăn đưa vào miệng nữa thì vị giác coi như vô dụng. Ăn để mà sống. Muốn sống thì thức ăn sẽ được đưa thẳng vào đường bao tử qua một ống cao su nhỏ gọi là G-Tube (Gastrostomy Tube), gọi một cách dễ hiểu là Feeding Tube. Ống này nối với bao tử và có một đoạn thòng ra ngoài cỡ hơn gang tay ở gần vùng rốn. Đầu ống có nút khóa lại để thức ăn không bị trào ra. Và cứ thế, chỉ có thức ăn lỏng như nước mới đưa vào được cái ống này để đến bao tử mà thôi. Và bệnh nhân lúc đó trở về thời… con nít, sống nhờ sữa. Một bình sữa treo trên một cái giá bên cạnh, ống chuyền sữa nối với G-Tube để dẫn sữa vào bao tử. Sửa nhỏ từng giọt từng giọt suốt ngày đêm. Còn nước và thuốc thì được bơm vào bằng ống tiêm to hơn ngón tay cái.

5 senses noseKhứu giác là lỗ mũi. Lỗ mũi dùng để thở và để ngửi. Lỗ mũi liên quan chặt chẽ với phổi, mà một khi hai lá phổi không chịu làm việc nữa thì lỗ mũi trở nên dư thừa. Lúc đó ở cổ họng sẽ được đục một cái lỗ to cỡ ngón tay cái. Một cái ống được đặt vào thanh quản. Miệng ống nằm ở cổ. Phương pháp này gọi là Tracheostomy. Ống này gọi tắt là cái Trach Tube. Ở chỗ miệng ống sẽ được nối với một ống nhựa gọi là Breathing Tube. Đầu ống nhựa bên kia nối với một máy trợ thở. Thế là sự hô hấp sẽ do cái máy điều khiển. Lỗ mũi về hưu. Được máy trợ thở thở dùm để sống nhưng đổi lại bệnh nhân sẽ phải miễn nói chuyện bởi vì khi nói, lời nói thoát ra từ thanh quản, nay thanh quản đã được nối với cái ống thở cho nên lời nói ra không lên tới miệng được mà sẽ đi vào cái ống, người nghe không thể nghe được. Thế là bệnh nhân trở thành người câm.

Tạo hóa đã cho con người 5 giác quan. Nếu bị mất đi bất cứ một giác quan nào con người cũng sẽ thấy rất khổ sở. Khi con người bước vào tình trạng mà cả năm giác quan đều đình công thì sẽ ra sao? Cũng may não bộ vẫn còn làm việc… khối óc vẫn còn minh mẫn…

Để xem tạo hóa còn những trò gì trêu ghẹo con người!

~ ~ ~
Viết cho ba.
~ ~ ~

(* Ghi chú: Mình không dính líu gì đến ngành y khoa cả. Bài viết này chỉ dựa theo những kiến thức học hỏi được từ bác sĩ và bệnh nhân.)

HTNBB
08Sept015

4 responses to “Ngũ Quan

Rất mong được thấy lời nhận xét của bạn đọc.