Ngày 20 Tháng 12 Năm 1985

Tôi ngơ ngác bước ra khỏi bụng chiếc máy bay. Một tay cầm cái túi xách áo quần và đồ dùng cá nhân, tay kia cầm cái bao ny lông lớn màu trắng có in 3 chữ thiệt to màu đỏ hay xanh gì đó mà tôi không còn nhớ được chữ gì nữa, hình như là IMC (*) dùng để đựng giấy tờ mà cơ quan ODP tức là Orderly Departure Program – người Việt gọi là Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự, gọi một cách ngắn gọn là Chương Trình Bảo Lãnh, đã phát cho lúc ở bên trại tị nạn Thái Lan. Tôi ngó quanh tìm kiếm… Những người đi cùng chuyến đều đã có thân nhân đến đón, mừng mừng tủi tủi.

Vẫn còn đang dáo dác nhìn quanh thì có hai người thanh niên Việt Nam tốt bụng tiến đến hỏi thăm tôi.

– Em chưa thấy người nhà hả?

Tôi lắc đầu:

– Dạ…

– Em có biết ai đón em không?

– Dạ ba.

– Em có nhớ mặt ba em không?

Hai anh chắc cũng thừa biết tôi sang đây theo diện ODP thì đã xa cách người thân khá lâu rồi, sợ tôi không nhìn ra ba tôi.

Tôi gật đầu:

– Dạ…

Làm sao tôi quên được hình ảnh ba tôi trong đầu tôi! Ông là một người dáng dấp cao (sau này tôi biết chính xác là 5 Feet 11), đẹp trai, đô con, mũi cao, mày rậm, đôi mắt một mí, có bộ râu mép (bây giờ bộ râu này đã bạc trắng mà ba không chịu cạo đâu, mỗi tuần con gái đều phải tỉa râu cho ba). Những tấm ảnh in sâu trong đầu tôi là ba trong bộ quân phục của Quân Cảnh, đôi Boot cao, đứng chống nạnh thật oai; Hình ảnh ba trong bộ võ thuật trắng đai đen tay không chặt 4 viên gạch (ba là đệ tử của thầy Choji Suzuki, người Nhật đầu tiên du nhập Karate vào Việt Nam và sáng lập võ đường Linh Trường Không Thủ Đạo trước năm 75); Hình ảnh ba nghiêm trang trong bộ đồ Vest vào ngày cưới; Hình ảnh ba ngồi dựa lưng vào chiếc Lambretta dáng dấp phong trần; Hình ảnh ba trong chiếc quần Jean và chiếc áo Chemise thời sinh viên trên những con đường của phố Huế mộng mơ; Hình ảnh tôi tận mắt nhìn thấy và cũng là lần đầu tiên tôi gặp ba kể từ khi biết nói là cách đó 7 năm, vào năm 1978, ba cao lêu khêu, gầy nhom, bận một bộ đồ cũ mèm tả tơi ngồi rít mấy hơi thuốc lào trong phòng khách nhà ngoại. Lúc đó ba vừa ở trại cải tạo ra, về thăm gia đình vài tiếng đồng hồ, rồi lại đi ngay… Tấm ảnh gần nhất là cảnh ba đứng giữa lòng phố San Francisco và Laguna Beach ở California trông mập hơn nhiều so với lúc ở Việt Nam…

Một trong hai anh đánh thức tôi về với thực tại. Anh bảo tôi đưa cái túi ny lông cho anh tìm số điện thoại của ba tôi để anh gọi dùm.

Chung quanh tôi lúc đó người đông nghẹt, âm thanh ồn ào, đèn sáng rực… cộng thêm mười mấy tiếng đồng hồ lơ lửng trên máy bay đã làm cái đầu tôi muốn quay tròn như một con vụ. Lúc đó tôi chỉ có cảm giác là ù tai hoa mắt mà thôi. Tôi làm như một cái máy, đưa túi ny lông cho anh. Hình như anh tìm được số điện thoại nhà của ba tôi, chạy đi tìm điện thoại để gọi. Hồi đó chưa có Beeper chứ đừng nói tới Cell Phone, chỉ có điện thoại công cộng thôi. Một anh thì vẫn còn đứng với tôi ở dãy ghế chờ đợi gần cửa máy bay. Một lát sau anh kia trở lại bảo rằng anh gọi về nhà ba tôi mà không có ai trả lời, chỉ có Answering Machine thôi, anh đã để lại lời nhắn rồi. Tôi chẳng hiểu ất giáp Answering Machine là cái gì nữa.

Có lẽ hai anh này đi đón người thân đến từ một chuyến máy bay khác mà chuyến bay chưa hạ cánh nên mới có thời gian giúp tôi như vậy. Đứng với hai anh ấy được 15 phút mà cũng chưa thấy bóng dáng ba tôi nơi đâu. Rồi hai anh cũng tới giờ phải đi nên đã gởi tôi cho một nhân viên ở phi trường, trình bày rõ ràng trường hợp của tôi. Lúc ở phi trường San Francisco nhóm chúng tôi đã làm xong thủ tục nhập cảnh rồi nên không còn ai giúp đỡ hướng dẫn như từ lúc bay từ Thái sang nữa. Chuyến bay từ San Francisco về Los Angeles là chuyến bay chở du khách và một vài gia đình đi định cư cùng nhóm với tôi về Los Angeles cho nên lúc đến LAX thì thân ai nấy lo hồn ai nấy giữ. Tôi cám ơn hai anh và bước theo nhân viên nọ. Tôi còn nhớ đó là một phụ nữ da đen, cao gần gấp đôi tôi, bộ ngực khổng lồ ưỡn hẳn ra phía trước, cặp mông tròn mập nhô ra đằng sau. Đi bộ một đoạn khá xa, phi trường lớn quá, so với Tân Sơn Nhất thì một trời một vực. Điều khác xa đầu tiên giữa hai phi trường là khi bước ra khỏi máy bay ở LAX thì đã thấy mình ở ngay trong phi trường rồi. Còn ở Tân Sơn Nhất thì phải cuốc bộ một khoảng xa, hình như phải lên xe buýt chạy một đoạn nữa mới vào đến bên trong phi trường.

Bà ta dẫn tôi vào một văn phòng, xí xô xí xà gì với người ngồi ở bàn làm việc rồi bà cáo lui. Lần này là một phụ nữ da trắng cũng to con (hình như lúc mới qua Mỹ tôi thấy ai cũng to lớn cao và mập cả). Tóc bà chải lên cao phồng ra trông giống như đang đội một cái rế trên đầu. Bà ta nhấc điện thoại bàn lên gọi, chắc cũng gọi về nhà ba tôi, rồi nghe bà nói một tràng tiếng Anh líu lo xong gác máy. Rồi bà ta bước ra khỏi bàn làm việc đi về phía tôi và nói với tôi một câu mà tôi chỉ nghe loáng thoáng được mấy chữ rằng thì là… Iyoufathersit downwait… Không cần nghe và hiểu hết tôi cũng đoán được là bà bảo tôi ngồi đây đợi, bà đã gọi cho ba tôi rồi. Bà rót cho tôi một ly nước, tôi nói Thank You bằng tiếng Anh, rồi ngồi đó đợi. Một lát sau tôi nghe điện thoại trên bàn của bà reng lên. Bà nhấc máy trả lời rồi ngoắc tôi lại. Tôi đoán là ba tôi gọi. Ba nói với tôi vài câu ngắn gọn đại khái là ráng đợi, ba đến ngay. Đó là lần đầu tiên tôi cầm cái điện thoại.

Hồi ở Việt Nam học tiếng Anh chẳng tới đâu, viết được dăm ba câu, nói chẳng bao nhiêu, nghe thì càng ít hơn. Ba viết thư về dặn không cần học thêm tiếng Anh làm gì sợ hư giọng, qua Mỹ học lại từ đầu cũng không muộn. Thế là tôi sung sướng thong dong vui chơi chờ ngày đi Mỹ. Ba gởi giấy tờ bảo lãnh về chừng 18 tháng sau tôi lên máy bay. Lúc đó là tháng 12 năm 1985. Ai cũng không ngờ hồ sơ của tôi được cứu xét và chấp thuận nhanh như vậy, thường thì cũng phải chờ đợi từ 2 đến 3 năm và những người đi theo diện bảo lãnh lúc đó cũng còn ít lắm. Hồ sơ của tôi được chấp thuận nhanh có lẽ lúc đó tôi còn nhỏ tuổi và đi có một mình (vì mẹ đã qua đời và anh trai thì ở một nơi khác cho nên hai anh em làm 2 hồ sơ khác nhau. Anh tôi lúc đó đến tuổi “nghĩa vụ quân sự” cho nên bị kẹt tới 5 năm sau mới đi được).

1985

1985

Rời Tân Sơn Nhất trên chiếc máy bay của hãng hàng không Thái Lan. Khoảng gần 2 tiếng sau đến phi trường Bangkok. Điều gây ấn tượng đầu tiên cho tôi ở xứ Thái là họ chạy xe bên trái và thành phố của họ nguy nga tráng lệ hơn hẳn Sài Gòn. Hồi còn ở Đà Nẵng mỗi lần vào Sài Gòn chơi tôi đã phải ngước mặt lên nhìn Sài Gòn một cách ngưỡng mộ. Ai dè sang Thái Lan thì tôi lại phải ngước lên cao hơn nữa. Sau này trong những buổi đàm đạo với ba, ba kể cho nghe nước Việt mình trước 1975 là Hòn Ngọc Viễn Đông, Hoàng Thân xứ Thái và dân của những nước lân cận đều qua Việt Nam du học. Trời nợ, thế mà bây giờ…!

Nhóm người đi diện chính thức cùng chuyến với tôi đều phải ở lại trong trại tị nạn bên Thái Lan 7 ngày. Ngày nào cũng khám sức khỏe, nếu sức khỏe không có vấn đề gì thì sau 7 ngày sẽ được qua Mỹ. Mỗi ngày 2 lần họ phát cho một tô cơm và chén canh cải. Mọi người đều phải ăn cơm và canh cải liên tục một tuần, ai cũng ngán ngẫm đến nỗi nằm mơ cũng thấy canh cải. Buồn tình tôi làm một bài thơ con cóc tựa đề Canh Cải và viết lên bức tường nơi tôi nằm ngủ. Rất tiếc bây giờ tôi không còn nhớ trọn bài thơ nữa. Trước khi đi gia đình đã hỏi thăm những người quen và biết được sinh hoạt bên trại tị nạn ở Thái Lan cho nên ngoại đã gói cho tôi một bịch thịt chà bông vì biết tôi không ăn được rau cải. Chú tôi có gói cho tôi một sợ dây chuyền vàng bảo qua Thái nếu cần thì bán để mua lương thực. Tôi là đứa cháu được hai bên nội ngoại cưng nhất nhà. Tôi cứ ăn cơm với thịt chà bông suốt 7 ngày. Sợi dây chuyền tôi vẫn còn giữ cho tới bây giờ. Chú thì đã về với cát bụi từ lâu rồi. Trong trại này chính phủ Thái có nhốt một số người Việt có lẽ là vượt biên bằng đường bộ ở trên tầng cao nhất, thỉnh thoảng họ cho xuống tầng dưới nơi chúng tôi tạm ở để mua hàng hóa thức ăn. Không biết nhóm người này bị nhốt bao lâu nữa. Tôi gặp một chị xuống mua sữa cho đứa con mới 2 tháng, chị nói là chị sanh nó trong trại này.

Hàng ngày có cô giáo đến dạy những phong tục tập quán và cách sinh sống bên xứ Hoa Kỳ. Cô giáo là người Thái trắng lai Tây rất đẹp. Tôi còn nhớ rõ nét đẹp của cô, khuôn mặt tròn tròn, mắt to, tóc lúc nào cũng búi cao để lộ cái cổ trắng ngần. Cô nói tiếng Việt lưu loát. Cô dạy cho nhóm chúng tôi những điều rất thiết thực mà tôi vẫn nhớ mãi chẳng hạn như cách đi xe buýt, đi chợ, cách chào hỏi nhau, cách viết tên họ (tên trước họ sau), cách ngoắc (người và chó khác nhau và hoàn toàn trái ngược với cách ngoắc của người Việt) cũng như cách ngồi (kiểu ngồi chồm hổm ở nước mình thì bình thường nhưng ở Mỹ thì không), cách chỉ tay bằng ngón trỏ, ngón giữa khác nhau như thế nào v.v… Nói chung là Đông, Tây đảo ngược hết trọi.

Bảy ngày ở trại tị nạn Thái Lan dài như 7 tháng. Tâm trạng buồn vui khó tả. Buồn vì lần đầu tiên một thân một mình xa gia đình và cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ còn có thể gặp lại ngoại, những người thân thương và bạn bè nữa. Vui vì sắp được gặp lại ba và sẽ có một cuộc sống mới trên một miền đất hứa mà cả triệu người Việt Nam sau năm 1975 đã chấp nhận hy sinh mạng sống của mình vượt đại dương để được đặt chân lên trong đó có ba tôi. Nhìn quanh ai cũng đi chung với người thân, đa số là mẹ con vì có lẽ người chồng vượt biên và bây giờ bảo lãnh vợ con sang, một số thì đi cả vợ chồng con cái có lẽ cha mẹ bảo lãnh hoặc đi theo diện người Hoa.

Chuyến bay của tôi đáp lại ở phi trường Nhật Bản vài tiếng trước khi sang Hoa Kỳ. Đến Nhật thì trời đã tối. Một sự ngạc nhiên thích thú khác mà tôi còn nhớ đến bây giờ và cứ nhớ lại mỗi lần vào phòng vệ sinh công cộng ở phi trường đó là cái vòi nước rửa tay. Trong lúc chờ đợi để đổi chuyến bay tôi đi lòng vòng tìm phòng vệ sinh. Tôi quan sát chung quanh thấy ai cũng bận rộn kéo hành lý chạy tới chạy lui. Tôi thấy có một người đang cầm cái chổi và cái ky xúc rác, tôi đoán người này làm vệ sinh trong phi trường thì chắc chắn biết Toilet ở đâu. Và thế là tôi đến gặp ông ta, chẳng cần nói dài dòng văn tự, chỉ buông một chữ: Toilet? Lúc đó tôi biết được chữ Toilet chớ không biết chữ Restroom. Và lên giọng ở cuối chữ như một câu hỏi. Ông ta hiểu ngay, dẫn tôi đi vòng xuống một cái cầu thang. Khi đến bồn rửa tay tôi mới hỡi ôi, không thấy chỗ nào để mở nước cả. Quanh tôi thì chẳng có ai. Ngó qua ngó lại một chặp rồi gõ gõ trên cái vòi cũng không có nước, cầm cái vòi lắc lắc, cái vòi… cứng ngắt mà cũng chẳng thấy nước đâu, sau đó quơ đại đôi bàn tay dưới cái vòi, tự nhiên nước chảy ra. Ôi chao, hiện đại quá xá! Đúng là xứ sở văn minh. Rút tay ra thì nước ngưng chảy, đưa tay vào thì nước lại chảy ra, chẳng hiểu tại sao cái vòi nước ở Nhật nó thông minh đến thế. Loay hoay đùa nghịch mãi với cái vòi nước mà suýt chút bị bỏ rơi lại ở Nhật, khi chạy ra thì hành khách đã lên máy bay hết rồi. Hú hồn!

passportvn

Khi máy bay đáp xuống phi trường LAX thì đã 7 giờ tối. Và tôi ngồi đợi trong văn phòng của bà Mỹ trắng cũng khoảng mấy tiếng đồng hồ cho tới gần 12 giờ khuya ba tôi mới xuất hiện. Ba ôm chầm lấy tôi và bế xốc tôi lên rồi nói một hơi bằng giọng Huế đặc sệt mà thật tình tôi cũng không còn nhớ rõ ràng là ba đã nói gì, chỉ nhớ mang máng nội dung ba hỏi: Con gái của ba có mệt không, có sợ không, ba xin lỗi, đừng buồn ba nghe, ba lo quá chừng, con biết không, đường phố kẹt xe quá, con biết không, ba nôn nóng trong bụng mà không chạy nhanh hơn được, con có lạnh không, con biết không… con biết không… Tôi nhớ hoài lúc đó ba cứ hay lặp đi lặp lại 3 chữ: con biết không

Còn tôi thì lí nhí trong miệng chẳng nhớ mình đã nói gì. Lúc đó tôi rất tiết kiệm lời nói. Ba đặt tôi xuống, nói vài câu với bà Mỹ trắng hồi nảy, rồi lại bế xốc tôi lên bước ra khỏi văn phòng. Tôi cũng yên lặng ôm cổ ba tưởng như mình còn bé nhỏ lắm, nhưng con gái của ba lúc đó đã 15 tuổi rồi, đã sắp là thiếu nữ rồi. Đi được một đoạn hình như ba cũng chợt nhận ra con gái ba đã lớn… Ba đặt tôi xuống nắm tay dắt tôi đi, vừa đi ba vừa giải thích lý do tại sao ba đến trễ…

Số là chuyến bay của tôi từ Nhật sang San Francisco, làm thủ tục Immigration tại đó, rồi mới đổi máy bay về Los Angeles hoặc Orange County theo yêu cầu của người nhà. Ba tôi yêu cầu được đón tôi ở phi trường John Wayne vùng Orange County. Hôm ấy có một cậu bé người Hoa cỡ tuổi tôi đi một mình từ San Francisco xuống Los Angeles. Vì “trục trặc kỹ thuật” họ đưa nhầm chàng kia về John Wayne còn tôi về LAX. Ba tôi đợi ở phi trường John Wayne gần 1 tiếng mà hỏi quanh chẳng ai biết. Sau đó ba phải chạy về nhà nghe Message xem có ai để lại lời nhắn hay có gì thay đổi không. Lúc đó mới nghe được lời nhắn của anh thanh niên ở LAX gọi dùm tôi và lời nhắn của bà Mỹ trắng nói tôi đang ở LAX. Thế là từ nhà ba phóng lên LAX, thường thì chỉ mất khoảng 45 phút thôi, nhưng hôm đó là ngày 20 tháng 12, gần Noel, xe cộ quá đông, thiên hạ đổ ào ào vào phi trường nên mất gần 2 tiếng đồng hồ ba mới tới nơi.

Ra khỏi phi trường tôi choáng ngợp với hàng xe hơi đậu san sát nhau liên tục hai ba dãy. Đèn màu đỏ, đèn màu vàng rực trời. Ba cứ thản nhiên dắt tôi băng ngang. Hình như đang kẹt đèn đỏ nên mấy hàng xe đứng im ru mặc cho cha con tôi đi qua. Ba gấp quá nên đậu xe bên lề đường, máy vẫn nổ, chìa khóa vẫn trong xe. Sau này tôi mới biết đó là chỗ có thể đậu vài phút thôi để đưa đón người mà hôm đó hình như ba đã đậu hơn nửa tiếng đồng hồ.

Thời tiết lúc đó khá lạnh, tháng 12 mà. Tôi bận một cái quần tây màu đỏ, cái áo len màu đỏ sọc trắng nho nhỏ. Ba có mang theo cho tôi một cái áo khoác nữa và lúc xuống phi trường ở San Francisco mỗi người trong nhóm của tôi cũng được tặng một cái áo khoác rất dầy như áo mặc đi chơi ở xứ tuyết vậy.

Thành phố Los Angeles – thành phố Những Thiên Thần – mà  tôi đã được nghe và đã từng ngắm nghía những tấm Postcard từ Mỹ gởi về với những cao ốc chọc trời lóng lánh đèn màu – bây giờ tôi đang hiện diện ngay trong lòng nó, ngay giữa những cao ốc đó. Trong suốt đoạn đường về nhà, hình ảnh đập vào mắt tôi là những tấm Billboard quảng cáo thật to được treo trên cao với nhiều hình thật đẹp mắt, liên tục hai bên đường và nhiều dãy đèn chớp sáng lia lịa… Tôi im lặng quan sát ngắm nhìn và nghe ba kể chuyện…

Lúc đó trời đã khuya và có lẽ cũng đã hết kẹt xe nên khoảng một tiếng sau đã về tới nhà. Bao nhiêu sự mệt nhọc trong mấy tiếng đồng hồ vừa qua tôi đã cố gắng chịu đựng đè nén cho đến khi tới nhà vừa bước xuống xe thì đã không còn chịu được nữa mà lập tức tuông ra qua một trận ói mửa mật xanh mật vàng ngay ở chỗ đậu xe. Và từ đó tôi biết tôi có chứng bệnh “say xe”, mỗi lần lên xe ba lái là tôi chóng mặt và muốn ói, mà chỉ bị say xe hơi bên Mỹ thôi, chứ hồi ở Việt Nam đi xe đò bầm dập cả người mà có hề gì đâu! Cho đến bây giờ cũng vậy, tự tôi lái xe lên trời xuống đất cũng chẳng sao, nhưng hễ ngồi lên xe người khác lái là bị chóng mặt.

Qua hôm sau tôi ngồi kể chuyện huyên thuyên nào là ngoại gởi cho ba món này, dì gởi cho ba cái kia, cô gởi cái nọ v.v… Ba ngạc nhiên:

– Ủa, con gái, ba thấy con mang theo có một cái xách nhỏ thôi thì mấy món quà đó ở đâu?

– Dạ, thì con để hết trong vali đó.

– Vali? Vali của con ở đâu?

– Ủa ba, không phải vài hôm nữa nhân viên phi trường mang tới tận nhà cho mình sao hả ba?

Ba tôi há hốc miệng hỡi ơi. Thế đó, xứ Hoa Kỳ thần tiên trong trí tưởng tượng của tôi đó. Ngon lành quá! Có người sẽ mang hành lý về tận nhà cho mình. Và rồi tối đó ba lại phải chạy lên LAX một lần nữa. Tất cả hành lý thất lạc đều được đưa vào nhà kho rộng mênh mông. Ba lục tìm hết mấy tiếng đồng hồ, cầu may, vậy mà ba đã tìm được cái vali cho tôi, đứa con gái cưng ngốc nghếch từ nhỏ sống trong nhung lụa yêu thương của gia đình và đã một thân một mình đi tìm cha nơi đất khách, nơi mà nó nghĩ là Thiên Đường Hạ Giới.

. . .

Thời đó làm gì có iPhone hay Digital Camera để chụp những hình ảnh đoàn tụ thân thương này. Vì thế những hình ảnh đó chỉ được chụp lại bằng ký ức và đã ngót 30 năm rồi, cũng có những chi tiết còn đậm nét nhưng cũng có những chi tiết đã bị phai mờ bởi thời gian và tuổi tác. Hôm nay tôi kịp ghi lại những hình ảnh này chứ sợ rằng 30 năm nữa… biết đâu sẽ không còn một hình ảnh nào tồn tại trong ký ức của tôi.

Thấm thoắt đã gần 30 năm. Hồi đó ba còn trẻ hơn tôi bây giờ, mà bây giờ chỉ còn vài ngày nữa là sinh nhật thứ 72 của ba rồi. Nhìn ba với hình hài tiều tụy đang nằm trên giường bệnh làm tôi nhớ lại ngày nào ba bế tôi trên tay ở phi trường LAX mà thấy như mới hôm qua.

HTNBB
10Aug015

(*) Một người bạn trên Blog là Dã Quỳ cho biết 3 chữ này là IOM (International Organization for Migration).

40 responses to “Ngày 20 Tháng 12 Năm 1985

  1. Ngồi đọc lại từng dòng ký ức của chị của ngày đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ này, làm em cũng nhớ lại cách đây gần tròn 20 năm, em cũng lần đầu đặt chân đến xứ sở này đây.
    Cách đây gần 5 năm về trước, em cũng ngồi xuống, ôn lại từng dòng ký ức thuở đó nè chị: https://dalatian.wordpress.com/2010/12/16/15-nam-qua-nh%E1%BB%AFng-ngay-d%E1%BA%A7u-tien-ph%E1%BA%A7n-1/

    Mà hồi đó, em còn qua đây cùng với bố mẹ và mấy đứa em nên còn đỡ lạc lõng hơn chị.

    —-
    À, chị kể chuyện ở Thái Lan mấy ngày thì hồi đó gia đình em cũng có ghé Thái Lan đó. Nhưng nhờ mẹ em biết nói tiếng Thái nên những nhân viên làm việc ở đó cũng vui lắm.

    ——–
    À, em nhớ rồi, cái bao nylon có in 3 chữ thật to đó là chữ IOM màu xanh xanh đó chị. Tất cả mọi giấy tờ, hồ sơ xuất cảnh đều nằm trong cái túi nylon bự chảng đó hết trọi heng. Bố mẹ em vẫn còn giữ cái túi nylon đó kìa 😉

    ——-
    Chị giống Ba chị nhiều, đúng hông? Nhìn hình chị và hình Ba chị hồi trẻ có nét giống nhau nhiều lắm đó.

    Cho em gửi lời chúc sức khỏe và mừng tuổi đến bác trai nhen chị. Mong bác luôn bình an, mạnh khỏe bên cô con gái ngoan, giỏi, hiếu thảo này nhen ❤

    Liked by 2 people

  2. Thật ra chữ IOM ngày trước khi đến Mỹ Nmk cũng hay nói đùa với mấy người bạn đi cùng chuyến là không biết đến Mỹ có Ai (I) ôm (O) em (M) hông nữa. Ngày đến Mỹ, cũng bơ vơ nhưng ít phút hơn Bảo Bình, hì hì.
    Bây giờ mới biết thêm chuyện là: “ngồi trên xe người khác lái là bị chóng mặt” nha. 🙂
    Vài ngày nữa là sinh nhật ba của Bảo Bình cho Nmk kính chúc chú sức khỏe an khương nha.

    Liked by 1 person

    • Hì hì, tiếc là hổng có chữ MON để anh Nmk khỏi bơ vơ hén. 😀

      Thật tình thì cái chứng “say xe” của BB dạo sau này bớt nhiều lắm rồi. Thỉnh thoảng nó mới tái xuất hiện thôi. Bật mí nha, hôm ngồi trong xe lòng vòng ở SF ngày thứ nhì đó, chứng này nó trở lại (tại đường phố lên xuống dốc và đèn đỏ nhiều) mà cũng ráng chịu thôi sợ nói ra “tài xế” lo lắng mất vui… 🙂 Lúc đó cũng không dám… nhõng nhẽo 😀 chứ đã tính bật ghế nằm xoài xuống rùi, về nhà nằm hết cả tiếng, hì hì 🙂 🙂

      Oh BB sẽ chuyển tất cả lời chúc của mọi người đến cho ba, cám ơn anh MK nghen. 🙂

      Liked by 1 person

  3. KUMT cũng kính chúc bác sớm phục hồi sức khoẻ và luôn an vui nhé. Tình cha con ấm áp dễ thương quá!

    Đọc đến đoạn ăn canh cải, KUMT chợt nhớ lại 3 ngày ở Thái Lan của mình năm 89… KUMT không nhớ được nhiều, nhưng câu thơ ai đó viết trên cái cột ngay chỗ KUMT nằm thì mãi không quên được:
    Thái Lan rau cải chắc nhiều
    Sáng ra canh cải, đến chiều cải canh…

    Liked by 1 person

  4. Ba chị cưng, thương con gái quá nè! Thật hạnh phúc khi được gặp lại ba chị hen.
    Nhìn ảnh cả nhà, ai cũng đẹp, đặc biệt mẹ chị toát lên nét đằm thắm dịu dàng của người phụ nữ ngày xưa.

    Liked by 1 person

  5. Chị Bình viết hay quá, những chuyện mà bây giờ em mới dc biết. Dì Huệ đẹp nhất nhà mà vắn số. Nhờ chị nhắc mà em lại nhớ chú Hoành. Hồi xưa mỗi lần tết ghé nhà, lúc nào chú thím cũng cho ăn phủ phê và lì xì chị em em nhiều nhất, chắc là do thương ba mẹ con em khổ.
    Lần bác Tung về, chụp cho mấy mẹ con em cả cuốn phim. Và hình như cái tủ lạnh đầu tiên của nhà cũng do bác mua cho.
    Em còn nhớ lúc đi chị có cuốn nhật kí – để lại nhà em mà sau này k thấy nữa – k biết lạc đi đâu hay về lại tay chị rồi – có bài thơ chị chép :
    Năm xưa tôi còn nhỏ
    Mẹ tôi đã qua đời
    Lần đầu tiên tôi hiểu
    Thân phận kẻ mồ côi
    Quanh tôi ai cũng khóc
    Im lặng tôi buồn thôi
    Để dòng nước mắt chảy
    Là bớt khổ đi rồi
    Hoàng hôn phủ trên mộ
    Chuông chiều nhẹ rơi rơi
    Tôi biết tôi mất mẹ
    Là mất cả bầu trời
    Hỏng biết sao mà thuộc luôn tới giờ.

    Liked by 2 people

  6. Cam dong qua chi oi. Em cau mong cho Ba chi mau khoi benh.
    May bua nay em ban qua troi. Doc tren phone nen comment luon, khong go tieng Viet co dau. Thoi ke no di chi dung fix lai mat cong chi… hi hi. Chi di choi chua? Tuan roi em co goi phone cho va left a voice mail do a.

    Liked by 1 person

  7. Pingback: Giữa Hai Tấm Ảnh Là 30 Năm | Những Dòng Thương Nhớ - My Nostalgic Journey·

Rất mong được thấy lời nhận xét của bạn đọc.